4 điểm nhấn của kỳ tuyển sinh đại học năm 2022
Kinhtedothi – Thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH trên cả nước, trong đó có các trường ĐH “hot” khu vực phía Bắc đã công bố phương án tuyển sinh 2022 với 4 điểm nhấn cơ bản, thu hút sự quan tâm của phụ huynh và thí sinh.
Nhiều ngành/chương trình đào tạo mới
Năm 2022, các trường ĐH “hot” đóng trên địa bàn TP Hà Nội như: ĐH Quốc gia, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, … đều có xu hướng mở thêm nhiều ngành/chương trình đào tạo mới.
Cụ thể, trường Đại học Ngoại thương sẽ bắt đầu tuyển sinh 3 chương trình mới gồm: Marketing số (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội) và Truyền thông Marketing tích hợp (tuyển sinh tại Cơ sở II- TP Hồ Chí Minh) thuộc ngành Marketing và chương trình Kinh doanh số thuộc ngành Kinh doanh quốc tế (tuyển sinh tại Trụ sở chính Hà Nội).
Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở 6 mã đạo tạo mới từ năm 2022; trong đó trường tách mã các chương trình định hướng ứng dụng (POHE) để tuyển sinh theo 7 mã riêng; Tách mã ngành Kinh tế thành 3 mã chuyên ngành; Tuyển lại mã ngành Tài chính-Ngân hàng (bằng tiếng Việt); Tạm dừng tuyển sinh các mã CT1/Ngân hàng, CT2/Tài chính công, CT3/Tài chính doanh nghiệp.
Trường ĐH Thương mại tuyển sinh 9 Chương trình đào tạo mới gồm: Quản trị kinh doanh (chương trình chất lượng cao); Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Quản trị khách sạn (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (chương trình định hướng nghề nghiệp); Marketing số; Kế toán tích hợp chương trình CAEW CFAB; Luật thương mại quốc tế; Quản trị hệ thống thông tin (chương trình định hướng nghề nghiệp); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (chương trình chất lượng cao).
Tại danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội thì thời gian tới, trường sẽ có nhiều ngành mới: Bậc đại học có 67 ngành, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành, trong đó sẽ có những ngành là ‘‘đặc sản’’ của ĐH Quốc gia Hà Nội. Một số ngành/chuyên ngành đào tạo sẽ sớm xuất hiện như: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số ….
Giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
Trước đó, khi đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022, Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như công cụ sàng lọc, sơ tuyển. Bộ cho rằng, những trường đại học, ngành học này cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung, sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng xét tuyển, đảm bảo chất lượng, số lượng và công bằng trong tuyển sinh.
Trên cơ sở đó, tại phương án tuyển sinh dự kiến đã được công bố năm 2022, dễ dàng nhận thấy các trường ĐH “hot” đều có xu hướng giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là điều đã được dự báo từ trước nhưng việc “giảm sâu” chỉ tiêu ở phương thức này vẫn khiến nhiều học sinh, giáo viên… giật mình, nhất là ở giai đoạn học trực tuyến.
Điển hình, ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10-15% chỉ tiêu cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, số chỉ tiêu áp dụng với phương thức này dự kiến khoảng 10-20% tổng chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D28 và D29 (trong khi năm 2021, phương thức này chiếm 50-60%).
Tăng cường phối hợp tổ chức kỳ thi riêng
Theo định hướng của Bộ GD&ĐT về việc các ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH/nhóm trường cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng, góp phần chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu, năm 2022, nhiều trường sẽ sử dụng kết quả của hai kỳ thi Đánh giá năng lực (của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và Đánh giá tư duy (của ĐH Bách khoa Hà Nội) trong công tác tuyển sinh. Đến nay đã có gần 50 cơ sở ĐH sẽ sử dụng kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, 8 trường ĐH sẽ sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Con số này dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, chủ trương hợp tác tuyển sinh của các trường ĐH trong việc phối hợp tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi trong xét tuyển ĐH sẽ là chìa khóa để thành công, đặc biệt trong công tác tuyển sinh ở những năm tới.
Đa dạng phương thức xét tuyển
Năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức xét tuyển. Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước; nhiều trường cũng bổ sung thêm phương thức xét tuyển so với kỳ tuyển sinh trước.
ĐH Ngoại thương có 6 phương thức xét tuyển, cụ thể: Phương thức 1 (xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (dành cho 3 nhóm đối tượng)); phương thức 2 (xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại); phương thức 3 (xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại); phương thức (xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế); phương thức 5 (xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do hai trường ĐH Quốc gia tổ chức trong năm 2022, áp dụng cho một số chương trình tiêu chuẩn); phương thức 6 (xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường).
ĐH Thương mại cũng áp dụng 5 phương thức xét tuyển năm 2022: Phương thức 1 (Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và quy định của trường); phương thức 2 (Xét tuyển kết hợp); phương thức 3 (Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ) đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia) ; phương thức 4 (Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022); phương thức 5 (xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022, theo từng tổ hợp bài thi/môn thi).
4 điểm nhấn của kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022 cung cấp cho thí sinh, phụ huynh cái nhìn toàn diện về kỳ tuyển sinh sắp tới; từ đó có định hướng rõ ràng trong việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường cũng như thiết lập kế hoạch học tập, ôn luyện khoa học, bài bản để đạt được các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.
Ba điểm mới trong kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2022
Kinhtedothi – Trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 16 đợt thi Đánh giá năng lực (ĐGNL); trong đó có ba điểm mới cơ bản, hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng, minh bạch với tất cả thí sinh.
ĐH Quốc gia Hà Nội và chiến lược thu hút thí sinh giỏi trong mùa tuyển sinh năm 2022
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, năm 2022, trường ĐH Quốc gia Hà Nội giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2021, trong đó nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào tốt luôn là tiêu chí hàng đầu.
ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại: Tuyển sinh nhiều ngành mới từ năm 2022
Kinhtedothi – Trong phương án tuyển sinh ĐH chính quy dự kiến năm 2022, trường ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Thương mại đều tuyển sinh nhiều ngành/chương trình đào tạo mới với đa dạng phương thức xét tuyển.