|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao giải Đặc biệt cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”. |
Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” được phát động từ tháng 1/2019, với mục tiêu ươm mầm những ý tưởng khoa học công nghệ có tính thực tiễn cao, góp phần giúp đất nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cuộc thi còn đề cao vai trò của nữ giới trong DN, tạo cơ hội cho các nữ chủ nhân có dịp khẳng định vai trò, vị thế của mình trong công cuộc phát triển xanh của đất nước.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình phát triển nền kinh tế xanh, giá trị sản phẩm “xanh” còn chiếm tỷ lệ thấp trong GDP. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định, trong tình hình hiện nay, việc thay đổi thói quen sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiến tạo xã hội xanh là đòi hỏi tất yếu đối với tất cả các người dân và DN.
Thời gian qua, các DN khởi nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu đã có nhiều bước tiến đột phá. Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ trên 14.500 phụ nữ khởi sự kinh doanh, tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực kinh doanh xanh. Đánh giá về các đề án dự thi năm nay, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, số lượng hồ sơ đăng ký tham dự cao, ý tưởng đa dạng, có hàm lượng khoa học công nghệ gia tăng. Có tới 80% đối tượng tham gia dự thi là nữ, 27% là người dân tộc thiểu số.
|
Vinh danh các tác giả, ý tưởng về khởi nghiệp sáng tạo. |
Năm 2019, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo đã nhận được hơn 700 hồ sơ đăng ký tham gia. Trong suốt 4 tháng trải qua vòng sơ loại, tiền ươm tạo, đánh giá hồ sơ dự án, Ban Quản lý Dự án VCIC đã lựa chọn ra 16 dự án xuất sắc nhất để trao giải. Các tiêu chí lựa chọn chính của cuộc thi gồm: Tính đổi mới sáng tạo, khả năng thương mại hóa, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bao trùm giới và trao quyền cho nữ giới.
Một số dự án tiêu biểu được nhận giải như: “Sản xuất các chế phẩm sinh học hạn chế phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp”, “Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống giun Pont để xử lý phân lợn thành phân bón hữu cơ chất lượng cao”, “mGreen - Ứng dụng 4.0 phân loại rác thải tại nguồn được tích điểm, tặng quà”, “Mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thí điểm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”…
Ngoài 35 đề án tiêu biểu được nhận tài trợ bởi Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng, Ban tổ chức đã trao 8 giải Tiềm năng, 5 giải Thách thức, 2 giải Sáng tạo và 1 giải Đặc biệt.
Giải Đặc biệt, với tên gọi Tiên phong được trao cho “Mô hình làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng với biến đổi khí hậu, thí điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm tác giả Hồ Anh Tuấn, Tô Diệu Liên.