Ả Rập Saudi sẽ đảo ngược chính sách dầu mỏ vì cuộc xung đột Hamas-Israel?
Kinhtedothi - Giới phân tích kỳ vọng Ả Rập Saudi sẽ nới lỏng quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện vào đầu năm 2024 nếu nguồn cung bị gián đoạn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Trung Đông.
Cuộc xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas đang gây ra mối lo ngại mới về tình hình địa chính trị ở Trung Đông - khu vực xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Hồi đầu tháng này, Ả Rập Saudi tuyên bố nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày đến cuối năm nay và đang đàm phán với Mỹ về khả năng nới lỏng chính sách sản lượng dầu mỏ trong năm 2024.
Ả Rập Saudi xem xét lại chính sách Trung Đông
Xung đột Hamas-Israel bùng phát giữa thời điểm một số quốc gia Trung Đông - bao gồm Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) - chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Israel.
Tờ Wall Street Journal cho biết kỳ vọng về việc bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel có khả năng giúp xoa dịu căng thẳng địa chính trị toàn cầu và giữ ổn định thị trường dầu mỏ thế giới.
Giới chuyên gia dự báo Ả Rập Saudi, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có thể sẵn sàng tăng sản lượng hiện đang ở mức 9 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm tới nếu giá dầu tăng quá cao để giành được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, Reuters hôm 13/10 đưa tin Ả Rập Saudi được cho là đình chỉ kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Israel trong bối cảnh cuộc chiến diễn ra với lực lượng Hamas. Thỏa thuận được Mỹ hậu thuẫn có thể là một bước ngoặt ngoại giao đối với Washington.
Trước khi Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ nhằm vào Israel, Riyadh và Tel Aviv đã tiến gần đến một thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ song phương.
Sau khi lực lượng quân đội Israel liên tục không kích Dải Gaza kể từ 7/10 và lên kế hoạch tấn công toàn diện vào vùng đất của người Palestine, giới chức Ả Rập Saudi đã tạm dừng thỏa thuận để tránh gây ra làn sóng giận dữ trên khắp thế giới Hồi giáo, Reuters trích dẫn 2 nguồn tin thân cận với Riyadh.
Chính quyền Riyadh kêu gọi lực lượng Hamas và Israel ngay lập tức chấm dứt cuộc xung đột và kiềm chế không để leo thang căng thẳng.
Phản ứng mạnh tay của Israel, bao gồm cả việc áp đặt một cuộc bao vây toàn diện ở Dải Gaza, đã khiến các nước láng giềng Hồi giáo khác trong khu vực, vốn là những nhà sản xuất dầu hàng đầu ở Trung Đông, xích lại gần nhau hơn.
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có cuộc điện đàm hôm 11/10, cuộc trò chuyện đầu tiên của họ kể từ khi hai đối thủ địa chính trị thiết lập lại quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian vào tháng 3.
Hiện tại, giới thương nhân đang lo ngại nguồn cung “vàng đen” toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn nếu Mỹ áp thêm các biện pháp trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Các nhà phân tích cho biết, nguồn cung dầu từ Iran, vốn tăng mạnh trong những tháng gần đây và đạt mức cao nhất từ năm 2018, có thể bắt đầu giảm trở lại trong trường hợp bị Mỹ áp thêm lệnh trừng phạt.
Riyadh chưa xem xét bơm thêm dầu ra thị trường
Mối quan hệ giữa Mỹ và vương quốc dầu mỏ đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Joe Biden liên quan đến chính sách điều hành sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+.
Việc giá dầu tăng mạnh do Ả Rập Saudi và OPEC+ siết nguồn cung trên thị trường năng lượng càng khoét sâu thêm sự rạn nứt giữa Riyadh và chính quyền Tổng thống Biden, vốn đang gặp thách thức để kiềm chế đà leo dốc của giá xăng tại Mỹ.
Amin Nasser - Giám đốc điều hành Công ty dầu mỏ Aramco của Ả Rập Saudi, vào đầu tuần nói rằng nước này có thể nâng công suất sản xuất dầu dự phòng khoảng 3 triệu thùng/ngày.
Theo ông Nasser, công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới Aramco có thể tăng sản lượng “trong vài tuần” nếu cần thiết.
Tuy nhiên, hiện cả Riyadh và liên minh OPEC+ do Nga và Ả Rập Saudi dẫn đầu, đều chưa phát tín hiệu sẽ đảo ngược chính sách cắt giảm sản lượng hiện tại.
Nhóm OPEC+, hồi đầu tháng 6 đã nhất trí điều chỉnh giảm sản lượng khai thác về mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024. Theo ước tính, các cam kết sửa đổi của OPEC+ sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức tổng cộng khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Đầu tháng 10 này, Bộ Năng lượng Ả Rập Saudi tiếp tục gia hạn việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết năm nay, đưa tổng sản lượng khai thác “vàng đen” của vương quốc dầu mỏ xuống còn 9 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong nhiều năm.
Giới phân tích cảnh báo, do bất ổn địa chính trị ở Trung Đông, giá dầu có thể vượt mức 95 USD/thùng, thậm chí chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Đồng thời, họ cho rằng Ả Rập Saudi khó có thể đảo ngược chính sách giảm nguồn cung dầu mỏ vào năm tới bất chấp đà leo dốc kỷ lục của giá dầu.
Hơn nữa, Ả Rập Saudi cũng cần giá dầu ở mức cao để tài trợ cho các dự án đầy tham vọng của Thái tư Mohammed bin Salman.
Ả Rập Saudi “hái quả ngọt” từ nỗ lực giải cứu giá dầu?
Kinhtedothi - Các số liệu mới nhất cho thấy thị trường dầu toàn cầu dần thắt chặt sau nỗ lực cắt giảm tự nguyện sản lượng của Ả Rập Saudi.
Ả Rập Saudi chưa muốn đảo ngược quyết định gây “sốc” trên thị trường dầu mỏ?
Kinhtedothi - Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán, Ả Rập Saudi có thể sẽ gia hạn quyết định tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10 trong bối cảnh triển vọng nhu cầu chưa chắc chắn.
Cú bắt tay Nga-Ả Rập Saudi sẽ đẩy giá dầu vọt lên hơn 90 USD?
Kinhtedothi - Giá dầu duy trì đà đi lên sau khi thiết lập mức cao nhất trong 6 tháng gần đây, nhờ kỳ vọng nguồn cung thắt chặt hơn sau quyết định giảm mạnh sản lượng của Nga và Ả Rập Saudi.