Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

[Ảnh] Công chúa kế vị Thụy Điển thăm Văn miếu-Quốc tử giám, lắng nghe ý nghĩa của hoa sen

Kinhtedothi - Tối 7/5, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đã tới thăm Văn miếu -Quốc Tử Giám tại Hà Nội.

Đây là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Công chúa Victoria tới Việt Nam (6-8/5) nhân dịp Việt Nam – Thụy Điển kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.

Tại đây, Công chúa đã được giới thiệu công trình di tích nổi tiếng của Hà Nội và rất bất ngờ trước bề dày lịch sử cũng như những nét đặc sắc trong kiến trúc của Văn miếu-Quốc Tử Giám.

 Công chúa Victoria được dẫn tham quan và giới thiệu về lịch sử ra đời và phát triển của Văn miếu - Quốc tử giám.

Sau khi hoàn tất chương trình tham quan, Công chúa Victoria cùng với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg, các tùy tùng và nhân viên Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam, đại diện phái đoàn DN Thụy Điển đã tham gia tiệc chiêu đãi do TP Hà Nội chủ trì.

 Đoàn đại biểu lãnh đạo và cán bộ TP Hà Nội cùng tham gia chuyến tham quan. 
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với Công chúa Victoria về lịch sử Văn miếu cũng như ý nghĩa của hoa sen - quốc hoa Việt Nam, được sử dụng trang trí tại di tích. 
 
 
 

Trao đổi tại buổi chiêu đãi, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vui mừng đón Đoàn, đồng thời phấn khởi trước mối quan hệ Việt Nam – Thụy điển được củng cố và phát triển trong suốt 50 năm qua.

“Đối với Hà Nội, năm 2016, TP đã vinh dự đón tiếp và làm việc với đoàn gồm 18 doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Điển do bà Ann Linde Bộ trưởng Thương mại và Đặc trách Châu Âu dẫn đầu đến Hà Nội. Kể từ đó, trong năm 2017 và 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục chào đón nhiều đoàn DN Thụy Điển đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh đến Thủ đô vì các DN Thụy Điển đang ngày càng quan tâm tới môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định, đầu tư của Thụy Điển trong các lĩnh vực đã và đang đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế Hà Nội, trong bối cảnh TP đang ưu tiên cho kêu gọi các nhà đầu tư cho các lĩnh vực như: xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ đốt phát điện tiên tiến, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt “xây dựng thành phố thông minh”…

Người đứng đầu UBND TP tin tưởng, chuyến thăm của Công chúa kế vị Thụy Điển và Phu quân đến Việt Nam lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho hai nước.

Về phần mình, Công chúa Victoria cảm ơn cá nhân Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng như chính quyền TP đã đón tiếp phái đoàn đại biểu Thuỵ Điển, đồng thời nhấn mạnh tin tưởng sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển đã diễn ra thành công, hiệu quả.

Công chúa cũng bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cho tới năm 2030, đồng thời khẳng định trong quá trình đó, thương mại đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng.

“Thuỵ Điển và Việt Nam có tình hữu nghị lâu đời và chúng ta đang nỗ lực xây dựng tình hữu nghị đó ngày càng kéo dài và bền vững trong tương lai”, Công chúa Victoria nói.

Trước đó cùng ngày, Công chúa Victoria đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển và có buổi gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

50 năm trước, ngày 11/1/1969, Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã có những ủng hộ chân thành và to lớn về tinh thần cũng như vật chất đối với nước ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Olof Palme, người sau này trở thành Thủ tướng của Thụy Điển, là chính trị gia phương Tây đầu tiên đã lên tiếng rất rõ ràng và mạnh mẽ cho rằng cuộc chiến tranh tại Việt Nam thật đáng trách về mặt đạo đức. Hơn 2,7 triệu người dân Thụy Điển, 1/3 dân số Thụy Điển tại thời điểm đó, đã ký đơn lên án cuộc chiến tranh và kêu gọi chấm dứt ngay các vụ ném bom.

Hiện nay Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình viện trợ vùng của Thụy Điển cho khu vực các nước tiểu vùng sông Mê Kông, và thông qua ngân sách viện trợ trong khuôn khổ EU và Liên Hiệp Quốc dành cho Việt Nam.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ