Monday, 21:20 20/11/2017
Báo động ý thức người tham gia giao thông
Kinhtedothi - Tai nạn giao thông đang là một vấn nạn để lại nhiều hậu quả lâu dài cho gia đình và xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là từ ý thức của người tham gia giao thông đang đi xuống ở mức báo động.
Những câu chuyện buồnHôm qua (19/11), tại tỉnh Gia Lai, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, muốn truyền tải tới mọi người hiểu sự sống là thiêng liêng, quý giá, nhưng có thể mất đi chỉ sau 1 giây phút lơ đãng, chủ quan, bốc đồng, không chấp hành quy tắc an toàn giao thông. Qua đó, mong những người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định, luật giao thông, có những hành vi đúng mực, văn minh, cùng xây dựng một môi trường giao thông an toàn.Tuy nhiên trong khoảng thời gian này tại 2 TP lớn nhất nước lại xảy ra 2 câu chuyện buồn, bắt nguồn từ ý thức kém của những người điều khiển phương tiện giao thông.Tại Hà Nội, chiều 19/11, nữ tài xế N.T.T. (SN 1971, ở Hà Đông, Hà Nội) sau khi bị lực lượng chức năng ra tín hiệu dừng xe đã không chấp hành hiệu lệnh mà tiếp tục nhấn ga, "ủi" chiến sĩ CSGT đi một đoạn dài.Mặc cho chiến sĩ CSGT đứng ở mũi xe yêu cầu lái xe dừng lại, xuất trình giấy tờ đúng điều lệnh, nữ lái xe này mở cửa kính ngoái đầu ra thản nhiên “tao đang bận, lúc khác nói chuyện, kiểm tra...” trước sự phẫn nộ của người dân xung quanh. Phải đến khi người dân dùng xe máy chặn đầu, nữ tài xế ngang ngược này mới chịu dừng xe.Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18/11 nam tài xế xe container BKS: 50LD-095… lưu thông qua cầu dây văng Phú Mỹ dùng chân gác trên vô lăng để điều khiển xe, trong khi tay cầm điện thoại di động tán gẫu.Bước đầu xác định xe container trên thuộc một công ty cho thuê tài chính tại Quận 3. Cơ quan chức năng đang đề nghị triệu tập nam tài xế lên làm việc.2 đoạn video ghi lại 2 sự việc trên được phát tán nhanh chóng trên mạng xã hội, đúng vào ngày nhiều nơi trên cả nước tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông khiến dư luận xã hội phẫn nộ. Hàng ngàn, hàng vạn bình luận của cư dân mạng đều rất bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật, ngông cuồng của những tài xế trên, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm nhằm răn đe tránh tái phạm.
Xây dựng văn hóa giao thông từ ý thức mỗi người dânSố liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy mỗi năm TNGT đã cướp đi trên 10.000 tính mạng người dân, làm bị thương cũng chừng đó.Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân cốt lõi nhất là người dân và cả những người tham gia tổ chức, quản lý, điều hành giao thông chưa có ý thức thượng tôn pháp luật. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã từng cảnh báo, 90% số vụ TNGT xảy ra ở Việt Nam không phải tại cơ sở hạ tầng mà do lỗi con người. Do vậy, vấn đề đầu tiên, cũng là vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu TNGT là việc nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.Theo Giáo sư Vũ Khiêu: Thật buồn cho văn hóa giao thông ở Việt Nam hiện nay. Đúng là không bằng đàn kiến. Ai cũng chen lấn nhau, không ai chịu nhường đường cho ai, mạnh ai nấy đi, ý thức của người tham gia giao thông quá tồi.Giải pháp của Giáo sư là để khôi phục văn hóa giao thông thì cần phải trừng phạt các lỗi vi phạm thật nghiêm, theo đúng tinh thần pháp trị. Cảnh sát giao thông không được phép làm trái với đạo đức, đã sai là phạt, không có trường hợp chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt.Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình, nhất là các bậc cha mẹ hãy cứu lấy con cái mình bằng cách dạy dỗ, khuyên răn con cái hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.Trên thực tế, từ 1/8/2017 có 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã được tăng mức xử phạt. Thậm chí nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức xử phạt tăng từ 2 đến 5 lần với mục đích răn đe người vi phạm "sợ" không dám tái phạm.Tuy vậy, việc giảm thiểu tai nạn giao thông cốt yếu nhất vẫn phụ thuộc vào ý thức của các tài xế và cần phải nâng cao hơn bao giờ hết, bởi tính mạng con người là trên hết. "Nếu một người không đủ bình tĩnh và ý thức tham gia giao thông kém, thì vô hình chung là "ngòi nổ" gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Mỗi lái xe cần phải biết tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và chấp hành nghiêm pháp luật, thì mới không gây họa cho bản thân và những người xung quanh", Trung tá Trần Mạnh Hùng - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP Hà Nội chia sẻ sau vụ việc người phụ nữ tại Hà Nội lái xe "ủi" CSGT trên phố Giảng Võ.
Tags