Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bất cập trong xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL vừa có Tờ trình Chính phủ dự thảo về việc ban hành Nghị định quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Tờ trình, từ năm 2016 – 2022, Bộ VHTT&DL đã tổ chức được 3 đợt xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể. Kết quả cụ thể: Có 131 NNƯT được phong tặng danh hiệu NNND và 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu.

Nghệ nhân ca trù trình diễn. Ảnh: Lại Tấn.

Việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và quan trọng hơn là truyền dạy cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hoá phi vật thể mà họ đang nắm giữ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc; đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nói riêng, di sản văn hoá nói chung.

Tuy nhiên, theo Tờ trình, căn cứ thực tiễn, quá trình xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể còn bất cập.

Cụ thể, đối tượng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có thể nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu ở cả lĩnh vực lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể do Bộ VHTT&DL chủ trì công tác xét tặng (xét theo loại hình tri thức dân gian) hoặc đề nghị xét tặng danh hiệu ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ do Bộ Công thương chủ trì công tác xét tặng. Điều này dẫn đến việc cùng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNND, NNƯT đang có sự bất cập, chồng chéo, trùng lặp về đối tượng xét tặng mặc dù tiêu chí để xét danh hiệu của 22 lĩnh vực này có những điểm khác biệt.

Căn cứ xác định mốc thời gian hoạt động trong nghề, số lượng học trò đào tạo được, giải thưởng do cơ quan nào khen tặng chưa được quy định rõ ràng.

Nghị định chưa quy định “thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể” là thời gian được tính như thế nào dẫn đến khó xác định được và việc xác định cũng không thống nhất tiêu chuẩn về thời gian để xét tặng.

Trong trình tự làm việc của Hội đồng cấp tỉnh chưa đề cập đến trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể phải đạt từ 75% ý kiến đồng ý của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, một số Hội đồng cấp tỉnh chưa ưu tiên mời các cá nhân có chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành; thiếu các nhà nghiên cứu về loại hình di sản văn hoá phi vật thể tham gia Hội đồng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ đòi hỏi phải có minh chứng như băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ, hoặc các giấy tờ liên quan tới giải thưởng ... các nghệ nhân có nhưng rất ít và nếu có thì làm thất lạc. Trong quá trình xây dựng hồ sơ không đủ tính thuyết phục do còn thiếu nhiều minh chứng nên hồ sơ bị loại dù thực tế bản thân có nhiều đóng góp cho việc trao truyền di sản văn hóa phi vật thể.

Từ những bất cập trên, Bộ VHTT&DL cho rằng việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 62/2014/NĐ-CP là cần thiết để đảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể gồm 5 chương, 19 điều.

Theo dự thảo, danh hiệu NNND trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho nghệ nhân đạt các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…

Danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được tặng cho nghệ nhân đạt đáp ứng được hai tiêu chuẩn đầu tiên của NNND và thêm hai tiêu chuẩn: Có tài năng, kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể do mình đang nắm giữ, mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thể hiện ở việc nắm giữ...

Có thời gian hoạt động liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ