Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bê bối Choigate thử thách 2 "bức tường thành" của Hàn Quốc

Kinhtedothi - Kinhtedothi - Bê bối liên quan đến bạn thân không chỉ khiến vị trí của Tổng thống Park Geun-hye lung lay mà các tập đoàn gia đình trị cũng dính thêm nhiều chỉ trích.

Lãnh đạo 9 tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc với doanh thu chiếm 1/2 GDP toàn quốc phải đối mặt với phiên điều trần với các nhà làm luật trong hôm nay (6/12) liên quan tới vụ bê bối “bạn thân” Tổng thống Hàn Quốc.
 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang đối mặt với áp lực phải từ chức.
Quốc hội Hàn Quốc đang điều tra xem xét việc các tập đoàn gia đình trị (chaebol) này có liên quan tới bê bối tham nhũng của bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye. Theo đó, Samsung và Hyundai Motor bị nghi ngờ đã quyên số tiền lớn cho 2 quỹ phi lợi nhuận, do gặp áp lực từ mối quan hệ thân thiết của bà Choi với Tổng thống Park.  Quỹ này do bà Choi sở hữu, được cho là dùng để “chống lưng” bà Park.
Người thừa kế tập đoàn Samsung Jay Y. Lee dự kiến sẽ là trung tâm của cuộc điều trần, sau khi các công tố viên khám xét trụ sở tập đoàn đoàn này vào tháng trước. Samsung đã "rót" 20,4 tỷ won (tương đương17,42 triệu USD) cho 2 quỹ mà bà Choi sở hữu, nhiều hơn bất kỳ tập đoàn nào. Tuy nhiên, hiện chưa có tập đoàn nào trong số 53 tập đoàn lớn nhỏ liên quan tới quỹ này bị cáo buộc sai phạm.
Cuộc điều trần dự kiến bắt đầu lúc 10h sáng (giờ địa phương) và có thể kéo dài suốt 12 tiếng. Một nhân viên cấp cao thuộc hãng bán lẻ Lotte khẳng định, Chủ tịch Shin Dong-bin đã “bình tĩnh chuẩn bị cho cuộc điều trần tại trụ sở vào ngày mai”.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Park phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu luận tội vào ngày 9/12. Nếu đa số các nghị sĩ đồng ý luận tội, bà Park sẽ là nguyên thủ Hàn Quốc đầu tiên phải rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Áp lực từ chức đang ngày càng đè nặng lên nữ chính trị gia. Tối 3/12, Seoul chứng kiến cuộc biểu tình phản đối Tổng thống quy mô nhất từ trước tới nay với hơn 1,7 triệu người tham dự.
Các tập đoàn chaebol từ lâu đã chi phối nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, với mối quan hệ mật thiết với chính quyền do “có công” tái thiết quốc gia từ sau chiến tranh Hàn Quốc năm 1950-1953. Tuy nhiên, quy mô và tầm ảnh hưởng lớn trong thời gian dài dấy lên không ít bất cập từ các chaebol, với sự nghi ngờ về tính minh bạch và quản trị hiệu quả.
Doanh thu thường niên của 9 chaebol tham gia điều trần nói trên tổng cộng lên tới khoảng 776 tỷ USD, tương đương hơn 50% GDP của Hàn Quốc (1,35 ngàn tỷ USD). Thu nhập thường niên của 9 vị lãnh đạo này xấp xỉ 18 tỷ USD, tính theo số liệu từ tạp chí Forbes, dẫn đầu bởi Phó Chủ tịch Lee của tập đoàn Samsung Electronics.
Park Ju-gun, người đứng đầu hãng phân tích CEO Score nhận định, sẽ không có quá nhiều thông tin mới được tiết lộ sau phiên điều trần này. Tuy nhiên, ý nghĩa của sự kiện này lớn hơn thế.
“Có hai quyền lực bất khả xâm phạm ở Hàn Quốc – quyền lực Tổng thống và quyền lực của các gia đình chaebol… Hai “bức tường thành” này giờ đều đang bị kiểm chứng và chỉ trích”, theo chuyên gia Park.
Trong rất nhiều bê bối vỡ lở trước đây về những mối quan hệ “mờ ám” giữa các chaebol và chính trường Hàn Quốc, vụ việc lần này là lời chuông cảnh tình rõ hơn hết về những tác động tiêu cực của những “đường tơ nhện” này tới nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.
 
 
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ