Bộ Công Thương xếp đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp
Kinhtedothi - Với 83,15 điểm, tăng 6,6% so với năm 2023, Bộ Công Thương đứng đầu các Bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024...
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương và dữ liệu từ Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) năm 2024.
Trong đó, về kết quả đánh giá bộ, ngành, địa phương theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024, theo báo cáo, với 83,15 điểm, tăng 6,6% so với năm 2023, Bộ Công Thương đứng đầu các bộ về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đứng vị trí thứ hai là Bộ Quốc phòng với 80,87 điểm, tăng 4,3% so với năm 2023. Vị trí thứ ba thuộc về Bảo hiểm xã hội Việt Nam với 80,33 điểm, tăng 15,1% so với năm 2023. Vị trí thấp nhất thuộc về Bộ Khoa học Công nghệ với 29,01 điểm, tăng 2,8% so với năm 2023. Trong khi đó, một số bộ, ngành cũng ghi nhận mức độ giảm điểm so với năm 2023.
Về phía địa phương, đứng đầu về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp thuộc về UBND tỉnh Cà Mau với 91,06 điểm, tăng 1,43% so với năm ngoái. Vị trí thứ hai thuộc UBND tỉnh Bình Định với 90,54 điểm, tăng 1,73% so với năm ngoái và vị trí thứ ba thuộc UBND tỉnh Bắc Giang với 89,49 điểm, tăng 2,59% so với năm ngoái.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 3658/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025 gồm 7 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
Theo Quyết định này, nội dung cải cách thể chế gồm các nhiệm vụ như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ quản lý nhà nước ngành Công Thương; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật...
Nội dung cải cách thủ tục hành chính, bao gồm, kiểm soát thủ tục hành chính; rà soát thủ tục hành chính/rà soát thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến...
Cải cách hành chính công sẽ tập trung thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập thuộc bộ; xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác tài chính, kế toán...
Về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính, bao gồm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường công tác truyền thông về cải cách hành chính; tăng cường công tác cải cách hành chính của bộ và các đơn vị thuộc bộ.
Quyết định Ban hành Kế hoạch công tác cải cách hành chính năm 2025 có hiệu lực từ ngày 30/12/2024.
Bộ Công Thương xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu:nhiều "ông lớn" bị điểm tên
Kinhtedothi - 7 tháng năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý 247 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu thu ngân sách hơn 8,3 tỷ đồng. Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty CP Appollo Oil, Công ty TNHH Trung Linh Phát là những cái tên bị điểm danh.
Bộ Công Thương yêu cầu sớm cấp điện trở lại do bão Yagi gây ra
Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 7/9 đã có Công điện hỏa tốc số 6814/CĐ-BCT gửi EVN, NSMO, Sở Công Thương các tỉnh, thành... về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 (Yagi) để sớm cung cấp điện trở lại.
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Kinhtedothi- Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiêm túc triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được kết quả bước đầu. Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.