Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án giao thông năm 2022
Kinhtedothi - Mục tiêu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong năm 2022 là hết tháng 12 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2023 phấn đấu giải ngân 100%.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Công điện yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT tập trung thực hiện 3 trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Bộ GTVT đặt ra mục tiêu giải ngân kế hoạch tổng thể các dự án trong năm 2022 là hết tháng 12 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2023 phấn đấu giải ngân 100%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các cơ quan tham mưu liên quan của Bộ GTVT cần quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy mạnh giải ngân các dự án; đồng thời chú trọng công tác kiểm soát chất lượng các dự án, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2022.
Đồng thời, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phân công trách nhiệm cụ thể từng lãnh đạo đơn vị theo dõi tiến độ thực hiện của từng dự án; lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định “đường găng” giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ chậm nhất 30 ngày sau khi nhận được quyết định giao kế hoạch làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới. Đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn; thủ tục điều chỉnh thiết kế, dự toán; thủ tục quyết toán các dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Công điện của Bộ GTVT nhấn mạnh, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục phân khai chi tiết dự toán chi, chậm nhất 15 ngày sau khi nhận được Quyết định giao kế hoạch; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu.
Kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước; xử lý nghiêm cán bộ, phòng, ban không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán...
“Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những cán bộ có liên quan” - Bộ GTVT yêu cầu.
Đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo chất lượng công trình, coi việc đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, tiến độ dự án.
Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cần chủ động quyết liệt chỉ đạo, cử cán bộ có đủ thẩm quyền thường xuyên có mặt tại hiện trường phối hợp, làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng; thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện - giải ngân của từng dự án, gói thầu để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất biện pháp xử lý; thực hiện công tác báo cáo giải ngân đúng thời hạn, số liệu báo cáo phải chính xác, trung thực.
Bộ Giao thông Vận tải đôn đốc lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải
Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Văn bản số 12234/BGTVT-VT gửi Bộ Công an; UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc triển khai Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ; đôn đốc thực hiện quy định về lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Bộ Giao thông vận tải: Đề xuất chi 120.746 tỷ xây dựng 6 dự án giao thông
Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn xây dựng 6 dự án giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của 6 dự án do Bộ GTVT chủ trì thực hiện là 120.746 tỷ đồng.
Bộ Giao thông Vận tải lý giải việc không đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa
Kinhtedothi - Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong trong giai đoạn 2021- 2025 sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.