Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Bỏ lệnh cấm thi vào lớp 6: Các trường top trên được “cởi trói”?

Kinhtedothi - Khá nhiều phụ huynh đồng tình với quy định có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (HS) vào lớp 6 mà Bộ GD&ĐT đưa ra trong dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT.

Bởi quy định này được xem là sẽ “cởi trói” cho các trường top trên, tránh được các hiện tượng chạy trường, mua giải thưởng phụ từng xảy ra.

Được phép kiểm tra, đánh giá năng lực

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014. Dự thảo đề xuất thay thế quy định về phương thức tuyển sinh từ xét tuyển sang xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực HS đối với các trường có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Trước đó, trong chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học năm 2014, Bộ GD&ĐT quy định các trường không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức. Vì thế, từ năm học 2015 - 2016 đến nay, các trường vốn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 trên địa bàn Hà Nội như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh, Marie Curie... đều xét tuyển vào lớp 6. Căn cứ xét tuyển là học bạ 5 năm tiểu học và giải thưởng các cuộc thi. Quy định này kéo theo nhiều bất cập như việc “đua” luyện giải thưởng phụ và hàng nghìn hồ sơ đạt điểm 10 xét tuyển.

Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trong giờ học Toán. Ảnh: Phạm Hùng

Lý giải về sự thay đổi trong dự thảo mới, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua đã xảy ra một số bất cập liên quan tới xét tuyển đầu vào khối THCS. “Một số trường tạm gọi là có dịch vụ chất lượng cao có số HS đăng ký vào nhiều hơn so với chỉ tiêu họ sẽ tuyển gây khó khăn trong công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó, một số trường lấy tiêu chí phụ để xét tuyển dẫn đến quá nhiều cuộc thi được tổ chức”. Cũng theo TS Vũ Đình Chuẩn, hướng giải quyết này vẫn phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản, THCS là cấp phổ cập nên không thi tuyển, đảm bảo quyền lợi cho tất cả HS trên địa bàn được học đúng tuyến. Nhưng Bộ GD&ĐT vẫn sẽ xét đến các trường hợp cá biệt, những trường đó phải xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Được cởi trói

Dù mới chỉ là dự thảo, nhưng quy định này đang được đông đảo các trường và phụ huynh, HS đón nhận. Theo chị Nguyễn Thị Du (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) có con đang học lớp 5: “Dự thảo này nếu được thực hiện sẽ tạo công bằng với HS. Những năm trước, nhiều phụ huynh phải cho con luyện thi các giải phụ để có được “tấm bùa hộ mệnh” giúp con được học trường chất lượng. Các trường lại “đau đầu” xét tuyển, vất vả cả đôi đường”.

Còn ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, hình thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực sẽ thực chất và công bằng hơn đối với HS. Khi thực hiện quy định mới này, sẽ không có xáo trộn nhiều. Đồng quan điểm, bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) rất ủng hộ phương án xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực HS. Bởi như trước đây, khi Bộ “cấm” thi tuyển, chỉ cho phương án xét tuyển đầu cấp thì những trường đặc thù như THCS Cầu Giấy có lượng HS đăng ký đầu vào cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh rất nhiều, gây khó khăn cho nhà trường. Như năm học 2017-2018, trường có khoảng 280 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng có tới 600 hồ sơ đăng ký. “Sau 3 năm thực hiện Thông tư 11/2014 về tuyển sinh THCS đã bộc lộ nhiều bất cập, nay Bộ sửa đổi cho các trường được tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực HS là rất phù hợp. Khi được chủ động trong tuyển sinh, các trường sẽ chọn được HS tốt”, bà Kim Anh nói. Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Thu Hương – Khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội lại cho rằng: Hễ có kiểm tra, đánh giá năng lực là sẽ có luyện thi và điều này sẽ tạo ra áp lực cho các em.

Tuy nhiên, đa số ý kiến đều ủng hộ dự thảo qui định mới, bởi công tác tuyển sinh sẽ bớt được tiêu cực, giảm phiền phức và khó khăn cho các trường như 2 năm vừa qua.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ