Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cấm lưu hành vĩnh viễn 5 ca khúc trước năm 1975

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, 5 ca khúc trước năm 1975 sẽ chính thức bị cấm lưu hành vĩnh viễn do bị sai về mặt bản quyền vì bị sửa lời.

5 ca khúc đó bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh-Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An) và Con đường xưa em đi (Châu Kỳ-Hồ Đình Phương). Đây là 5 bài hát được rất nhiều khán giả yêu nhạc bolero yêu thích từng được Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh đưa ra thông báo cấm lưu hành.
 
Sau thông báo của Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh, dư luận không ít những ý kiến phản ứng. Nhiều người sẽ tưởng Sở rồi Cục NTBD sẽ điều chỉnh và xem xét lại quyết định này. Tuy nhiên, chiều ngày 4/4, ông Chương khẳng định 5 bản nhạc này đều đã điều chỉnh lời bài hát so với bản gốc, nghĩa là vi phạm vấn đề bản quyền. “Đã dừng rồi thì không có chuyện cấp lại. Hơn nữa, vi phạm bản quyền, sai lời so với bản gốc thì phải cấm lưu hành vĩnh viễn” - ông Nguyễn Đăng Chương cho biết.
“5 ca khúc này bị sửa lời vĩnh viễn không được lưu hành. Cá nhân, đơn vị nào muốn sử dụng phải thực hiện đầy đủ thủ tục như có bản nhạc gốc, chữ ký tác giả thì Cục mới xem xét cấp” - đại diện Cục NTBD nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 16/12/2016, Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi tới Cục NTBD đề nghị xem lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 kèm theo danh mục các bài hát có Quyết định cho phép phổ biến của Cục Nghệ thuật biểu diễn kèm theo.
Theo Cục NTBD, hơn 40 năm qua, Cục đã cấp phép phổ biến hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.
Thời gian tới, Cục sẽ chủ động tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ