Cán cân quyền lực ở Syria thay đổi, đồng minh phương Tây "ngư ông đắc lợi"?
Kinhtedothi - "Cơn địa chấn" tại Syria cho thấy tình hình ở Trung Đông còn rất khó để đoán định, song có một điều rõ ràng là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được những bước tiến mà cách đây vài tuần, hai nước cũng khó có thể tưởng tượng nổi.
Làn sóng biến động chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, đã mở ra một chương mới trong cục diện khu vực.
Giữa những xáo trộn sâu sắc này, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh của phương Tây tại Trung Đông, đang nổi lên như những "tay chơi" lớn tại khu vực. Dù còn tồn tại những bất đồng vì cuộc xung đột tại Dải Gaza (Palestine), hai nước lại cùng được hưởng những lợi ích vượt xa kỳ vọng nhờ "quả ngọt" mang tên Syria.
Thời cơ của các "tay chơi" mới
Đối với Israel, bức tranh chiến lược đã trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết. Sự suy yếu đáng kể của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực tạo ra một khoảng không gian an ninh chưa từng có đối với nhà nước Do Thái này.
"Sức mạnh không chỉ nằm ở súng đạn, tên lửa, xe tăng và máy bay", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal, "Nó còn nằm ở ý chí chiến đấu và khả năng nắm bắt thời cơ." Nhận định khéo léo này phản ánh chính xác chiến lược của Israel trong việc củng cố vị thế của mình.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến một cơ hội lịch sử để khôi phục tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người luôn ấp ủ tầm nhìn về một "Thổ Nhĩ Kỳ mới", đang khéo léo định vị đất nước như một cầu nối giữa di sản Ottoman huy hoàng và thế giới Hồi giáo đương đại.
"Mọi sự việc trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là Syria, đều nhắc nhở chúng ta rằng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vốn lớn hơn chính nó ở thời điểm hiện tại", Tổng thống Erdogan tuyên bố trong tuần qua. "Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ không thể thoát khỏi số phận của mình".
Phát biểu này không chỉ mang tính khẩu hiệu, mà còn là một tuyên ngôn về tham vọng địa chính trị của Anakra.
Vùng vịnh "đứng ngồi không yên"
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ không phải không gặp phản ứng. Các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Ả-rập Xê-út và Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE), đang nhìn nhận sự phát triển này với ánh mắt dè chừng.
Bản thân Israel, dù có thể thở phào nhẹ nhõm vì mối đe dọa từ Iran đã giảm bớt, vẫn phải canh cánh nỗi lo về một thể lực Hồi giáo mới được Ankara hậu thuẫn.
“Đối với Ả-rập Xê-út, UAE và Israel, sự thay đổi chế độ ở Damascus là một bước ngoặt có thể khiến họ phải đương đầu với một đối thủ mới trong khu vực”, Hassan Hassan, người sáng lập kiêm tổng biên tập Tạp chí New Lines, viết trên báo Guardian.
"Còn đối với các nhà hoạch định chính sách phương Tây, quan điểm về sự quyết đoán ngày càng tăng của Ankara dao động từ lo ngại về mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các chế độ Hồi giáo đến việc công nhận vị trí trung tâm của nước này đối với nền tảng chính trị ở Trung Đông", ông Hassan viết. "Điều này có lợi cho Ankara, vì nó là sự khác biệt rõ rệt so với sự phô trương sức mạnh của Iran, vốn bị phương Tây và khu vực đồng lòng phản đối”.
Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo dòng Sunni, vốn được Ả-rập Xê-út xem như đặc quyền không thể tranh cãi, giờ đây đang phải đối mặt với một thách thức đáng kể từ Thổ Nhĩ Kỳ.
“Các chính sách ngả theo đạo Hồi của Ankara đang được nhiều tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và những chính trị gia Hồi giáo ủng hộ", tổng biên tập Tạp chí New Lines nhận định thêm. "Chúng đưa ra một giải pháp tiềm năng để thay thế các chế độ quân chủ ở vùng Vịnh”.
Thành bại nhờ ... Mỹ
Trong bối cảnh này, vai trò của Mỹ trở nên tinh tế hơn bao giờ hết. Washington đang phải cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với các đồng minh truyền thống, vừa phải thích ứng với thực tế mới ở Syria.
Điều đó được thể hiện qua các cuộc đối thoại diễn ra thường xuyên hơn giữa giới chức Washington với các lãnh đạo của Tổ chức Giải phóng vùng Cận Đông (HTS), lực lượng đang nắm quyền điều hành chính ở Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ.
Ngày 20/12, Barbara Leaf - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề khu vực Cận Đông, đã có cuộc gặp trực tiếp với thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa. Bà Barbara Leaf tuyên bố rằng Mỹ sẽ bãi bỏ lệnh truy nã trị giá 10 triệu USD đối với Ahmed al-Sharaa, nhưng đổi lại thủ lĩnh HTS phải cam kết ngăn chặn các nhóm khủng bố hoạt động ở Syria.
Về phần mình, Ahmed al-Sharaa tuyên bố chỉ muốn xây dựng đất nước của mình và không muốn bắt đầu một cuộc chiến mới, dù trên danh nghĩa, al-Sharaa vẫn bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách khủng bố với bí danh cũ Muhammad al-Jolani.
Nhìn về tương lai, dù còn nhiều biến số khó lường, một điều có thể được khẳng định là cán cân quyền lực ở Trung Đông đang chuyển động theo hướng có lợi cho Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Ankara dần củng cố vị thế tại Damascus và mở rộng tầm ảnh hưởng từ Libya đến Somalia, thì Israel cũng tận dụng lợi thế an ninh mới để định hình lại chiến lược trong khu vực.
Những diễn biến này không chỉ là những thay đổi nhất thời mà còn là dấu hiệu của một sự chuyển dịch sâu sắc trong cấu trúc quyền lực khu vực, hứa hẹn định hình lại bản đồ địa chính trị Trung Đông trong những năm tới.
Podcast: Syria - Đổi thay và thách thức sau sự sụp đổ của chế độ Assad
Kinhtedothi - Tình trạng hình kinh tế đang tuột dốc thê thảm của Syria là một thách thức lớn đối với bất kỳ cơ cấu quản trị nào trong tương lai
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian giữa Mỹ và phe đối lập ở Syria
Kinhtedothi - Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, nước này đang phối hợp với Ả Rập Saudi ở cấp cao nhất liên quan đến các diễn biến tại Syria.
Bước ngoặt "lành ít dữ nhiều" của Syria
Kinhtedothi - Syria đứng trước bước ngoặt mang tính lịch sử sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, nhưng đây là một bước ngoạt được dự báo nhiều bất định và đầy thách thức.