Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô:
Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Kinhtedothi - Để xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cần đề xuất thêm cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành khoa học, công nghệ (KHCN).
Đây là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại tọa đàm “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo”, do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức ngày 5/4.
Tiềm lực còn bỏ ngỏ
TS Nguyễn Ngọc Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KHCN đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là chủ trương được đề cập trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Văn kiện đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII; Chương trình số 07-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025”.
Thực tiễn phát triển KHCN của Thủ đô còn có nhiều hạn chế, mặc dù Hà Nội có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển. Trên địa bàn TP có 80% trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm quốc gia; 69% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ của cả nước. Đồng thời Hà Nội là đầu mối giao lưu về hợp tác KHCN với nhiều TP, quốc gia, cơ sở nghiên cứu trên thế giới.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, TP chưa khai thác, sử dụng, phát huy được tiềm năng, lợi thế này để đưa KHCN của Thủ đô trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội. Đến hết năm 2021, TP mới chỉ có 115 DN được cấp chứng nhận là DN KHCN, 1 vườn ươm công nghệ thông tin. Số lượng DN có sản phẩm thương mại từ kết quả nhiệm vụ KHCN chỉ chiếm vài chục trong số hơn 325.000 DN đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.
TP chưa khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế về nguồn nhân lực KHCN rất lớn trên địa bàn Thủ đô. Chưa huy động được các nguồn lực xã hội và DN đầu tư phát triển KHCN và thị trường KHCN; việc khuyến khích đổi mới sáng tạo còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, thị trường KHCN còn manh mún; chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn hạn chế, nhất là sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng KHCN của Thủ đô. Các nghiên cứu KHCN chưa được ứng dụng một cách nhanh chóng, thiết thực vào hoạt động đời sống xã hội. Chưa có cơ chế để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ICT theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc xây dựng một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không thực hiện được do thiếu hành lang pháp lý.
Đưa ra giải pháp phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần có cơ chế thu hút chuyên gia, nhà quản lý về KHCN. Tuy nhiên, muốn hút chuyên gia cần có cơ chế đặc thù vượt trội, tạo hành lang pháp lý an toàn cho DN phát triển.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra, thực tế thời gian qua, mặc dù chính sách đưa ra rất hay, nhưng thủ tục hành chính rườm rà nên các nhà khoa học, DN không triển khai được. Vì vậy, Hà Nội cần mạnh dạn đề xuất một cơ chế đặc thù cho KHCN, mang tính thí điểm và sau đó có thể nhân rộng trong cả nước.
Đề xuất bổ sung cơ chế trong Luật Thủ đô (sửa đổi)
Để hoàn thành mục tiêu trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, đồng thời phát huy hết tiềm năng KHCN của Hà Nội, tại dự thảo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề xuất chính sách “Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo”.
Chính sách đã đề xuất 4 cơ chế, biện pháp đặc thù cho lĩnh vực này. Đầu tiên, để thu hút nguồn lực phát triển KHCN Thủ đô, cần có quy định mức thu nhập tăng đối với công chức, viên chức công tác trong ngành KHCN, các nhà khoa học, chuyên gia đang làm việc cho Thủ đô. Quy định các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ, trao quyền tự chủ trong quản lý để thu hút chuyên gia, nhà khoa học giỏi chủ trì nhiệm vụ KHCN trọng điểm hoặc đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KHCN Thủ đô. Các chương trình KH&CN Quốc gia ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ KHCN do Hà Nội đề xuất, đặt hàng (các nhiệm vụ KHCN có tính liên vùng, liên ngành). TP được thí điểm xét, phong tặng danh hiệu Công trình sư, Tổng công trình sư cho các nhà KH&CN làm việc ở Thủ đô.
Về chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy DN tham gia hoạt động ươm tạo đổi mới công nghệ, ươm tạo DN, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô, chính sách đề xuất được thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách TP và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo DN, đổi mới công nghệ…
Cùng với đó, được thí điểm hợp tác đầu tư, có chính sách hỗ trợ hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển ở một số DN thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên nhằm phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Áp dụng mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất đối với DN thực hiện đề tài, dự án ươm tạo, đổi mới công nghệ có các sản phẩm tạo ra từ hoạt động ứng dụng công nghệ ươm tạo.
Về cơ chế hỗ trợ, chuyển giao, ứng dụng kết quả sản phẩm từ các nhiệm vụ KHCN cấp TP, đề xuất được áp dụng chính sách chuyển giao không bồi hoàn tài sản hình thanh từ nhiệm vụ KHCN do TP thực hiện. Việc chuyển giao được thực hiện trên cơ sở lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ năng lực triển khai phát triển sản phẩm và các điều kiện, cam kết phục vụ thị trường Thủ đô.
Đóng góp vào bản dự thảo, TS Đào Quang Thủy - Trưởng Phòng Phát triển DN KHCN (Cục Phát triển thị trường và DN KHCN) cho biết, nội dung xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo đã được đưa vào Nghị quyết của TP. Đây là cơ sở chính trị vững chắc cho ngành phát triển.
Liên quan đến vấn đề lấy DN làm trung tâm đỏi mới sáng tạo, TS Đào Xuân Thủy cho rằng, toàn bộ hành lang pháp lý phải tạo điều kiện cho DN. Để thu hút phát triển KHCN chúng ta còn cần xây dựng chính sách đặc thù, cơ cấu lại các tổ chức hỗ trợ. Bên cạnh đó, một vấn đề mấu chốt nữa là trong luật nên định lượng hàng năm chi ngân sách TP bao nhiêu % cho nhiệm vụ KHCN.
Còn theo TS Vũ Tấn Cương - Giám đốc Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin và truyền thông, cần đưa ra chính sách nuôi dưỡng phát triển mầm non sáng tạo, tạo ra không gian kích thích đổi mới sáng tạo của giới trẻ. Để làm được việc này, Hà Nội cần xây dựng các không gian mở để thế hệ trẻ được trải nghiệm trong đó. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa, nơi hoạt động nghệ thuật, nơi phát triển văn hóa đọc…
Bên cạnh đó, TS Vũ Tấn Cương còn đưa ra quan điểm về việc thu hút nhân lực chất lượng cao là các nhà khoa học Việt Kiều về Hà Nội. Với lực lượng này cũng được hưởng cơ chế giống các nhà khoa học trong nước. Vì vậy cần bỏ giới hạn yêu cầu công chức, viên chức mới được hưởng các ưu đãi…
Tiếp thu và đánh giá cao những đóng góp của chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm, TS Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh, đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi các tọa đàm phục vụ công tác đánh giá tác động của chính sách đề xuất đưa vào Luật Thủ đô. Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp Viện hoàn thành nhiệm vụ TP giao. Viện sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện báo cáo trình UBND TP Hà Nội.
Xây dựng cơ chế đặc thù, tạo đột phá cho phát triển Thủ đô
Kinhtedothi - Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012. Ngay sau đó, để triển khai, TP Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch đồng bộ.
Quy hoạch Thủ đô: Hành lang xanh phải là điểm nhấn
Kinhtedothi - Hà Nội đang thực hiện rà soát đánh giá việc triển khai, thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã lập 10 năm trước để tiến hành điều chỉnh.
Hà Nội: Khai giảng khóa bồi dưỡng xây dựng tầm nhìn phát triển Thủ đô
Kinhtedothi-Khóa học diễn ra trong 3 ngày, tập trung vào các chuyên đề: Xây dựng tư duy và tầm nhìn chiến lược cho đội ngũ lãnh đạo nước ta hiện nay; nhận diện các vấn đề, yêu cầu thực tiễn và các quy định của pháp luật về tăng trưởng xanh áp dụng cho TP Hà Nội...