Trong một bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 30/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cáo buộc Iran tiến hành chương trình hạt nhân bí mật. Thủ tướng Netanyahu cho biết ông có bằng chứng về việc Iran đang “lừa dối” về chương trình vũ khí hạt nhân của mình sau khi nước này đã ký thỏa thoả thuận hạt nhân mang tính lịch sử với Nhóm P5+1,gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức, vào năm 2015.
Ông Netanyahu nhận định Tổng thống Donald Trump sẽ có “quyết định đúng” về thỏa thuận hạt nhân Iran. Tin này có thể làm tăng khả năng Mỹ sẽ không gia hạn việc miễn trừng phạt Iran trước này 12/5, và điều này sẽ thắt chặt nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 6 tăng 11 xu Mỹ, khoảng 2% lên 68,68 USD/thùng sau khi vọt 47 xu Mỹ trong phiên trước đó.
Trong khi đó, dầu Brent cũng tăng 11 xu Mỹ lên 74,80 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng nhích 53 xu Mỹ trong phiên 30/4.
|
Căng thẳng xung quanh thỏa thuận hạt nhân Iran đẩy giá dầu thế giới đi lên trong phiên 1/5. |
Theo nhà phân tích cấp cao Walter Zimmerman của công ty United-ICAP, tuy những phát ngôn của Thủ tướng Netanyahu là yếu tố chính thúc đẩy giá dầu trong phiên này, song yếu tố tác động lớn nhất tới giá dầu thế giới chính là câu hỏi Tổng thống Trump sẽ làm gì với Iran.
Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc áp lệnh trừng phạt lên Iran vào ngày 12/5. Nếu ông Trump áp lệnh trừng phạt lên Iran, các nước sẽ hạn chế mua dầu thô từ quốc gia này dẫn đến sản lượng giảm.
Bình luận của Thủ tướng Netanyahu khiến giá dầu tăng gần 2 USD/thùng trong phiên 30/4 do thị trường đánh giá Mỹ sẽ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt đối với Iran.
Nếu Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Tehran, lượng cung dầu tư Iran sẽ giảm 500.000 thùng/ngày, theo James Williams, chuyên gia kinh tế tại WTRG Economics. “Bài phát biểu của ông Netanyahu cũng làm tăng khả năng Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran”, Williams nói thêm.
Trước khi giá dầu tăng sau lời phát biểu của ông Netanyahu, giá dầu vẫn giảm do số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tiếp tục tăng, và đà tăng giá của đồng USD đẩy giá dầu giảm.
Giá dầu đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trong tháng 4 do nhu cầu toàn cầu mạnh và có dấu hiệu cho thấy OPEC sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đồn đoán rằng Tổng thống Donald Trump sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng góp phần đẩy giá dầu tăng.
Giới phân tích cho biết thị trường năng lượng đặc biệt nhạy cảm với bất cứ diễn biến nào liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran và việc Mỹ tái áp đặt lệnh cấm vận với Tehran.
Trong khi đó, số liệu mới nhất của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố cũng ngày 30/4 cho thấy sản lượng dầu thô của nước này đã tăng 260.000 thùng/ngày lên mức 10,26 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và đạt mức kỷ lục mới.
Thị trường giao dịch dầu mỏ tại châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 1/5.