Wednesday, 07:51 19/05/2021
[Cảnh báo cơn sốt đất đang bị đẩy xa hơn giá trị thực tế] Kỳ 3: Hàng loạt dự án bị thu hồi, rủi ro cho người đến sau
Kinhtedothi - Việc Hà Nội đưa vào danh sách 29 dự án (DA) thuộc diện bị thu hồi cho thấy không phải DA nào được phê duyệt cũng mang lại tiềm năng. Đương nhiên, trước khi DA được tiến hành, nhiều nhà đầu tư đã chạy theo cơn sốt đất khiến giá đất bị đẩy cao một cách khó hiểu. Giờ không ít DA bị thu hồi hoặc trong danh sách báo động bị thu hồi mới thấy các nhà đầu tư đến sau luôn phải ngậm trái đắng.
DA khai thác du lịch Sunset nằm trên địa bàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, Hòa Bình ngay thời điểm rao bán rầm rộ nhất vẫn vi phạm pháp luật. Ảnh: K.H. |
Dự án không đẹp như bản vẽ
DA bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp khai thác du lịch Sunset nằm trên địa bàn xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, Hòa Bình một thời được quảng cáo rầm rộ như điểm đến lý tưởng cho mô hình nhà ở hòa mình cùng không gian xanh với rừng cây, hồ điều hòa lớn. Không ít nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã tới đây và mạnh tay xuống tiền. Ngay ở thời điểm DA quảng cáo mạnh nhất, có lúc giá căn hộ được đẩy lên 30 triệu đồng/m2, cũng là lúc lãnh đạo huyện Lương Sơn thừa nhận với phóng viên DA này đang bị dừng lại vì vi phạm pháp luật trong xây dựng.
Đưa chúng tôi tới quả đồi cao nhất của DA, vị Phó chủ tịch UBND xã Tân Vinh chỉ vào hơn 10 công trình xây dựng dạng biệt thự cho biết, trong đó có 4 biệt thự đã hoàn thiện, đón người vào ở, còn lại vẫn xây thô và chưa thể tiến hành hoàn thiện vì đang bị chính quyền ra văn bản không cho thi công. Điều này đồng nghĩa với việc, khách hàng đã bỏ tiền mua căn hộ chưa biết đến bao giờ mới được vào ở, còn chuyện có “sổ đỏ” càng xa vời hơn nữa. Đây cũng là hậu quả của việc mua, bán chỉ dựa vào lời quảng cáo của các sàn bất động sản không uy tín hay đội ngũ nhân viên chào bán sản phẩm của chủ đầu tư.
Không thể nói đây là DA trồng rừng bởi chẳng có dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư trồng cây phủ xanh, đâu đâu cũng chỉ thấy bê tông với các công trình dang dở.
Cách huyện Lương Sơn, Hòa Bình không xa là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Thời điểm năm 2016, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội được nhắc tới với 26 DA phát triển khu đô thị thì tại xã Tiến Xuân cũng hoành tráng không kém khi có tới gần chục DA. Giá đất ăn theo các DA không ngừng tăng, có lúc đất trong mặt ngõ cũng lên tới 10 triệu đồng/m2. Hay tin tại xã Tiến Xuân có DA xây dựng khu đô thị Tiến Xuân của Công ty TNHH MTV SUDICO Tiến Xuân, anh Phạm Mạnh Dũng, Đống Đa, Hà Nội đã bỏ tiền mua lại của người bạn 200m2 đất sát vùng quy hoạch khu đô thị này. Anh Dũng hy vọng, sau này nơi đây đi vào hoạt động, dân cư về ở thì mảnh đất của anh cũng cất được quán cà phê bắt mắt để có thu nhập ổn định.
Tiền lời không thấy đâu, chỉ thấy DA liên tiếp bị thanh tra. Năm 2019, cử tri đã đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát giải quyết, xử lý dứt điểm những dự án treo trên địa bàn xã Tiến Xuân hoặc tiếp tục cho triển khai thực hiện dự án, trong số này, có dự án khu đô thị Tiến Xuân của SUDICO. Như vậy, sau hơn 10 năm có tên trên giấy tờ thì tại thực địa nơi đây gần như chỉ là bãi đất trống. Anh Dũng còn ngán ngẩm hơn khi hay tin năm 2021, UBND TP Hà Nội chính thức đưa DA này vào danh sách thu hồi. Cái giá phải trả cho sự rủi ro của các nhà đầu tư đến sau như anh Dũng không hề rẻ.
Cũng tại thôn Chùa, xã Tiến Xuân, ngay khi cơn sốt đất đang thăng hoa, người ta còn sẵn sàng lập ra cả DA ma nhằm bẫy người mua, ngoài ra còn làm chiêu thổi giá đất ở các thửa đất cạnh DA này. Đó chính là DA mang tên Khu dân cư Tiến Xuân Green được giới “cò đất” quảng cáo tiềm năng trở thành một khu resort nghỉ dưỡng 4 sao, sinh lời lên tới 50%/năm. “Cò đất” còn lợi dụng các trang mạng để đăng tin và hình ảnh phối cảnh khu đô thị khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Trả lời báo chí, đại diện UBND xã Tiến Xuân cho biết, chẳng có DA hợp pháp nào mang tên Khu dân cư Tiến Xuân Green. Khu đất được quảng cáo rộng 1ha nhưng chỉ có 400m2 đất ở, còn lại là đất nông nghiệp, đứng tên một cá nhân trong xã. Nếu đất sử dụng đất sai mục đích như xây cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông nội khu…, UBND xã sẽ kiểm tra, xử lý ngay.
Dự án bị thu hồi, quả đắng cho người đến sau
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP. Qua rà soát có 383 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 DA đã được giao đất, cho thuê đất; 88 DA chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 DA có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.
Huyện Thạch Thất có 10 DA nằm trong danh sách đề nghị thu hồi gồm: DA Xây dựng khu đô thị Tiến Xuân tại xã Tiến Xuân và Đông Xuân của Công ty TNHH Một thành viên SUDICO Tiến Xuân; DA xây dựng khu biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân của Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc. DA xây dựng biệt thự nhà vườn tại xã Tiến Xuân của Công ty Xây dựng Trường Giang; DA nhà máy sản xuất cọc bê tông tại xã Tiến Xuân của Công ty Cổ phần Licogi 13 - Nền móng xây dựng; DA xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ tại xã Tiến Xuân của Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ… Tại huyện Mê Linh có 5 DA. Huyện Ba Vì có 2 DA…
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Đình Nghĩa, 29 DA bị thu hồi cũng đồng nghĩa với 29 chủ đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm trong việc thực hiện cam kết với chính quyền. Kèm theo đó là rủi ro của hàng trăm nhà đầu tư khi tin tưởng giao tiền cho chủ đầu tư, đó là chưa kể đến rủi ro của các nhà đầu tư thứ cấp hay còn gọi là người đến sau. Họ phải bỏ ra số tiền không nhỏ ở thời điểm DA đang còn nóng hổi để mua lại từ người đến trước. Tới đây, trước thông tin kém vui của dịch Covid-19, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến bất động sản. Không ít người mua từ tâm lý muốn đầu cơ sinh lời sẽ quay trở lại trạng thái bảo toàn vốn.
Nhận định về thực trạng đất bị thổi giá cao hơn giá trị thực tại nhiều địa phương, không ít chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Thời gian qua, khá nhiều đợt sốt đất nền "chóng vánh", nhưng chỉ sau một tuần hoặc vài tháng, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng vỡ, và chỉ còn lại hệ quả cho những nhà đầu tư "ôm bom" cuối cùng.
(Còn nữa)
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng. Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường và rồi sẽ bị dừng lại, như những gì đã diễn ra trước đây. |
Từ tháng 7/2018 đến nay, Sở TN&MT đã triển khai 5 đoàn hậu kiểm đối với 99 DA trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra của UBND TP. Kết quả cho thấy, 29 DA (tổng diện tích 1.844,3ha) được kiến nghị trình UBND TP thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt DA đầu tư (trong đó có 2 DA được chia làm 2 giai đoạn đầu tư). |