Friday, 09:41 21/05/2021
[Cảnh báo cơn sốt đất đang bị đẩy xa hơn giá trị thực tế] Kỳ cuối: Cơn sốt đất bắt đầu hạ nhiệt trước một loạt biện pháp quyết liệt
Kinhtedothi - Ngay trong thời điểm Pháp luật và Xã hội lên tiếng phản ánh sự bất hợp lý của cơn sốt đất, đẩy giá đất cao hơn giá trị thực tế, tiềm ẩn những dấu hiệu vi phạm pháp luật tại nhiều địa phương cả nước, trong đó có Hà Nội, Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời. Cùng với đó Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT)… cũng có những quan điểm rõ ràng ngăn chặn tình trạng sốt đất.
>>> Kỳ 2: Ngậm trái đắng vì “ôm đất” dự án>>> Kỳ 3: Hàng loạt dự án bị thu hồi, rủi ro cho người đến sau>>> Kỳ 4: Cảnh báo làn sóng đất ảo, một loạt cổng điện tử im tiếng
Không chỉ là giao dịch dân sự, những cơn sốt đất ảo còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế địa phương, cá nhân, tổ chức... và tiềm ẩn những nguy cơ về hình sự. Ảnh: K.H |
Đồng loạt ngăn chặn cơn sốt đất bất thường
Từ việc bùng phát giá đất cho thấy, nếu các bộ ngành, các địa phương cùng vào cuộc, chắc chắn cơn sốt đất sẽ được hạ nhiệt, đưa giá đất về đúng vị trí thật của nó. Hiệu quả của sự phối hợp này đang được thể hiện bằng những chứng minh cụ thể. Đầu tiên phải nói tới sự vào cuộc của Chính phủ. Tháng 4, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu và triển khai biện pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất ở nhiều địa phương. Trước đó, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đơn vị này quản dòng vốn vào bất động sản, đảm bảo phục vụ thực sự nhu cầu của người dân.
Trong tháng 3, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số DA không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các DA phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các DA lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.
So với các địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên… Hà Nội được các chuyên gia bất động sản đánh giá là địa phương có những chỉ đạo kịp thời, mạnh mẽ. Ngay từ lúc giá đất ăn theo tin đồn quy hoạch sông Hồng được nhiều nhóm môi giới lũng đoạn, Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Thông báo số 180-TB/TU giao cấp ủy, UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngay sau đó, ngày 22-4, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản 1153/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn TP. UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, TN&MT, Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm bảo đảm phù hợp và chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các DA phát triển hạ tầng, các DA bất động sản, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn nhằm đẩy giá bất động sản để trục lợi bất hợp pháp. Kiểm tra, rà soát các DA bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các DA bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi đối với các DA không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai...
UBND TP cũng chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, DA bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan...
Xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để làm giá
Ngay sau những chỉ đạo trên của Hà Nội, giá đất tại nhiều địa phương của Hà Nội bắt đầu hạ nhiệt. Nhiểu thửa đất sát Trường mầm non xã An Khánh, huyện Hoài Đức nếu trong tháng 3 bị đẩy tới 70 triệu đồng/m2, giờ hạ xuống còn 62 triệu đồng đến 65 triệu đồng/m2 nhưng vẫn rất ít người hỏi tới. Giá biệt thự DA đô thị Nam An Khánh của Sudico (đối điện Vinhomes Thăng Long) giá bán khoảng 35 triệu đồng/m2, sau Tết giá tăng vọt lên 65 triệu đồng, nay nhiều nhà giảm còn 55 - 60 triệu đồng/m2 nhưng cũng không có người mua.
Khu đất đấu giá nằm trên địa bàn xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất cách đây vài tháng “cò đất” thổi giá từ 6 triệu đồng lên đến 22 triệu đồng/m2 thì nay vắng lặng khác hẳn không khí sôi động, nhộn nhịp hồi đầu năm. Tình trạng tương tự tại xã Hải Bối, Đông Anh, nhiều lô đất vị trí trung tâm xã, cách không xa cầu Nhật Tân từ 30 triệu đồng/m2 giờ giảm xuống còn 22 triệu đồng/m2.
Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN&MT, các địa phương phải kiểm soát việc mua bán, chuyển nhượng đất đai trên thị trường, nghiêm cấm mua đi bán lại đất nông nghiệp rồi sau đó lại tìm cách chia, tách, phân lô, bán nền. Trước mắt, yêu cầu các địa phương không được điều chỉnh bảng giá đất tăng lên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, các thông tin về quy hoạch sử dụng đất. Cần thanh tra, kiểm tra các DA bất động sản nằm đắp chiếu bởi chưa có nhu cầu thực sự, cùng với đó phải thúc đẩy để có nguồn hàng ra làm hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Nhận định về các biện pháp ổn định giá đất gần đây của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nhờ các động thái can thiệp của nhà nước thị trường đã bình ổn trở lại. Để hạn chế sốt đất, cơ quan quản lý đã siết tín dụng bất động sản, thanh kiểm tra việc sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sự dụng đất ruộng, đất rừng... Các tỉnh thành cũng có có xu hướng giám sát các biến động giá giao dịch đất đai khi bị đặt vấn đề quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương nếu đất tăng nóng.
Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường bất động sản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin để làm giá, đẩy giá bất động sản thu lợi bất chính. Đặc điểm những cơn sốt đất “chết yểu” trên là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng DA hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lượng "cò đất" hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất.
Ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT, sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là bài học về quản lý thị trường bất động sản khi do công tác này chưa được triển khai thấu đáo, dẫn đến tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra quản lý đất tại 26 tỉnh, thành phố. |
Luật sư Hoàng Văn Doãn, Văn phòng luật Hoàng Hưng cho rằng, cần đưa thông tin quy hoạch vào danh mục bảo mật, từ đó quản lý chặt chẽ cán bộ làm quy hoạch và tiếp xúc với thông tin quy hoạch, tránh rò rỉ thông tin gây sốt giá đất, đúng thời điểm là công bố. Nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật. |
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo, tham gia vào thị trường bất động sản hiện nay mà dựa vào đòn bẩy tài chính, hay nói cách khác là vốn đi vay, vốn lưu động thì cần lường trước hai rủi ro lớn nhất. Đầu tiên, lãi suất có thể quay trở lại tăng lên chứ không thấp như hiện nay do nguy cơ lạm phát là đang có. Ngoài ra, liên quan tới các cơn sốt đất, mô hình luôn tạo ra một nhóm người có lợi, và người chịu thiệt là người ôm đất cuối cùng khi thị trường hết sốt và thậm chí là đóng băng. |
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, hiện không dễ để tìm người mua lại bất động sản khi mà ai cũng hiểu rằng các đợt “sốt” đất đã dần lắng xuống. Các Bộ ngành liên quan và chính quyền nhiều địa phương bắt đầu tăng cường công bố thông tin quy hoạch và quản lý kiên quyết hơn và nhìn chung thì các ngành kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. |