Cảnh giác thủ đoạn lừa tuyển cộng tác viên bán trên sàn điện tử
Kinhtedothi - Các đối tượng thông qua mạng xã hội dụ với chiêu trò tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo... hòng lừa đảo.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) vừa đưa ra cảnh báo phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Telegram... để dụ tyển công tác viên hòng lừa đảo.
Cụ thể, theo phản ánh sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước, với hứa hẹn sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Ban đầu, đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân đường link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… có giá trị từ vài trăm nghìn, vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng và yêu cầu cộng tác viên thực hiện các bước gồm: Xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng.
Cứ như vậy, quá trình trên tiếp diễn cho đến khi cộng tác viên làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng) và không còn khả năng chuyển tiền. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy lý do công ty đang bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để từ chối không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng cho cộng tác viên, đồng thời yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cộng tác viên tiếp tục được hứa hẹn sẽ nhận tiền gốc và hoa hồng hoặc bị chặn đầu mối liên hệ, khi đó nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Đại diện Trung tâm NCSC nhận định, thủ đoạn lừa đảo kể trên chủ yếu lợi dụng uy tín của các sàn thương mại điện tử để lấy lòng tin của những người đang có nhu cầu làm thêm và đánh vào lòng tham của con người để dẫn dụ các nạn nhân “sập bẫy”.
Để tránh không bị lừa đảo dẫn đến mất mát, bị chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến nghị người dân cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm cộng tác viên bán hàng online.
Đồng thời, người dân cũng cần thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển cộng tác viên online.
Lừa đảo qua điện thoại: Chiêu cũ vẫn nhiều người “sập bẫy”
Kinhtedothi - Những cuộc điện thoại, tin nhắn mạo danh lừa đảo xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây. Dù cơ quan công an liên tục cảnh báo nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy”.
Ứng phó với lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực ngân hàng
Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các gian lận trong ngân hàng trực tuyến cũng gia tăng đáng kể. Những kẻ lừa đảo đã giăng ra nhiều cái bẫy mới nhằm chiếm đoạt tiền tài khoản.
Cảnh báo website giả mạo một công ty tại Hà Lan để lừa đảo
Kinhtedothi - Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan vừa thông tin đến các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm từ Hà Lan một trang web giả mạo: https://lunenburgvleesbv.com.