Cảnh giác với các chiêu lừa kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Trong những năm qua, sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đây cũng là môi trường lý tưởng để các đối tượng hình sự thực hiện hành vi lừa đảo, phổ biến là hình thức kêu gọi từ thiện để trục lợi.
1.001 chiêu lừa kêu gọi từ thiện
Ngày 13/2 vừa qua, Công an TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã phát đi cảnh báo đến người dân về việc nhiều người sử dụng mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin sai sự thật để lừa đảo kêu gọi từ thiện.
Trước đó, ngày 10/2 , Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đang làm rõ vụ việc một chủ tài khoản Facebook có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội để lừa đảo, trục lợi cá nhân. Qua nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Hà Trung và Công an TP Thanh Hóa phát hiện một tài khoản Facebook có tên “Nguyễn Phương Nga” liên tục đăng bài trên nhiều hội nhóm để kêu gọi ủng hộ cho trường hợp bố đơn thân bị ung thư máu tên là Đỗ Minh Hậu và con gái 19 tháng tuổi tên là Đỗ Diệu Linh bị bỏng nặng, sinh sống tại xã Hà Long (huyện Hà Trung). Tuy nhiên, qua xác minh của chính quyền địa phương và Công an xã Hà Long khẳng định trên địa bàn xã Hà Long không có trường hợp hai bố con Đỗ Minh Hậu như các bài viết đăng tải trên trang Facebook “Nguyễn Phương Nga”.
Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu, kiểm chứng kỹ thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện - nơi người cần giúp đỡ sinh sống hoặc điều trị để kiểm chứng thông tin. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.
Trước đó, hồi tháng 11/2021, Công an TP Hải Phòng đã khởi tố Trần Văn Mạnh (25 tuổi) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội Facebook. Mạnh sử dụng điện thoại cá nhân lập nhiều tài khoản Facebook, rồi tìm kiếm và sao chép các bài viết có nội dung kêu gọi từ thiện của người khác, chỉnh sửa bài viết, sau đó ghép thông tin tài khoản cá nhân của mình ở cuối bài để nhận tiền kêu gọi ủng hộ từ thiện. Qua đó, Mạnh chiếm đoạt khoảng 600 triệu đồng của hàng trăm người.
Công an tỉnh Hà Nam cũng khởi tố Trần Văn Lâm (23 tuổi) là người đã thiết lập và sử dụng Fanpage “Hỗ trợ trẻ em” để thực hiện hành vi lừa đảo. Lâm đã lập ra Fanpage “Hỗ trợ trẻ em” đăng gần 250 bài viết kêu gọi các cá nhân ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, bị can chiếm đoạt được số tiền là 6,6 tỷ đồng.
Cần đặt lòng tin, tình thương đúng chỗ
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng là môi trường lý tưởng để các đối tượng hình sự thực hiện hành vi lừa đảo. Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến trong thời gian qua là lừa đảo kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội để trục lợi. Các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để đăng các bài đăng kêu gọi lòng từ thiện, trắc ẩn của mọi người. Chúng thường đưa ra các thông tin không có thật như các hình ảnh, số phận bi thảm, các hoàn cảnh éo le, đáng thương không có thật để mọi người thương cảm chuyển tiền ủng hộ cho chúng rồi trục lợi.
“Để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo kêu gọi từ thiện trên không gian mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tiến hành xác minh thông tin để đặt lòng tin, tình thương đúng chỗ. Khi đọc các tin, bài trên mạng kêu gọi từ thiện, trước khi chuyển tiền hỗ trợ cần phải kiểm tra kỹ các đối tượng đăng tin, kiểm chứng ký các nội dung đăng tải, xác minh từ các cơ quan chức năng, yêu cầu những người kêu gọi từ thiện phải minh bạch thông tin về hoạt động từ thiện. Khi phát hiện có dấu hiệu bất thường cần báo với cơ quan chức năng để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia luật, với những cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là tù chung thân. Ngoài ra, theo Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, các đối tượng sử dụng mạng máy tính, viễn thông cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Người có những hành vi này còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm...
Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: Đề nghị thanh tra, kiểm tra việc huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện
Kinhtedothi - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Quy định mới về cá nhân vận động từ thiện
Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Hải Phòng: Khởi tố đối tượng lừa đảo bằng hình thức quyên góp từ thiện
Kinhtedothi - Ngày 31/10, Công an TP Hải Phòng thông tin vừa tiến hành khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội.