Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn khẩn trương thông hầm xuyên núi
Kinhtedothi- Hiện tại, 2 trong 3 hầm xuyên núi của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã thông. Hầm số 3 đang được khẩn trương thi công để về đích vượt tiến độ.
Tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có 3 hầm xuyên núi gồm: hầm số 1 dài 610m, hầm số 2 dài 698m, hầm số 3 dài 3.200m và 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ có chiều dài 610m.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị thi công) cho biết, toàn dự án đã triển khai 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc thiết bị đến công trường.
Riêng các hạng mục hầm, nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ. Đến nay, đã đào thông 2 trong số 3 hầm xuyên núi trên tuyến. Trong đó, hầm số 1 được đào thông, vượt tiến độ hơn 3 tháng so với kế hoạch; hầm số 2 được đào thông vượt tiến độ gần 1 tháng so với ký kết thi đua và vượt gần 5 tháng so với yêu cầu trong hợp đồng thi công.
Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Với hầm số 3, đây là hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây mới, kết nối hai tỉnh Quảng Ngãi với Bình Định. Hầm số 3 có địa chất phức tạp nên công tác thi công được nhà thầu triển khai rất thận trọng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn.
Theo ký kết với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công, nhưng đơn vị thi công đang nỗ lực để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch (dự kiến hầm 3 sẽ đào thông trong tháng 6/2025).
Dù vậy, Tập đoàn Đèo Cả cũng chia sẻ, quá trình thực hiện dự án hiện vẫn còn tồn tại môt số khó khăn vướng mắc, chủ yếu liên quan đến việc chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các vị trí đường găng tiến độ như nút giao đầu tuyến (huyện Tư Nghĩa), cầu vượt Quốc lộ 24, cầu Eo gió, cầu Sông Quán (thị xã Đức Phổ)… và các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến chậm di dời.
Bên cạnh đó, chi phí đền bù của một số mỏ cao hơn so với quy định (khoảng 3 lần), không có đường tiếp cận, dẫn đến thực tế trữ lượng mỏ đang được khai thác đạt thấp.
Ngoài ra, theo thiết kế kỹ thuật, dự án sẽ tận dụng 90% đá từ đào hầm để phục vụ công tác bê tông xi măng, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường. Tuy nhiên, điều kiện địa chất hầm số 2, hầm số 3 lại thay đổi, sai khác so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật dẫn tới thiếu nguồn vật liệu đá cho bê tông, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường theo tiến độ dự án được phê duyệt. Trong khi chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh thiết kế mất nhiều thời gian, nhà thầu phải bỏ kinh phí để mua từ các mỏ thương mại .
Báo cáo của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến nay, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mặt bằng tuyến chính với tổng diện tích thu hồi hơn 494ha, đạt 99,98% tổng diện tích quy hoạch; trong đó, phần diện tích đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng là gần 487ha, đạt 98,67%.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, hoàn thành bàn giao mặt bằng cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi) trước 30/4/2024 được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Quảng Ngãi để đưa dự án trọng điểm này sớm về đích.
Do đó, ông Hiền yêu cầu chính quyền địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu phải tăng cường phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ thi công, giải phóng mặt bằng và ổn định đời sống người dân sau khi di dời tái định cư.
Trong quá trình giải quyết các vướng mắc về bồi thường phải đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân theo quy định của pháp luật. Nếu không chính đáng thì không hứa hẹn, trả lời dứt khoát để người dân không hiểu sai, tự nguyện bàn giao mặt bằng.
Những trường hợp khi giải tỏa, bàn giao mặt bằng, diện tích còn lại nằm trong hành lang an toàn cao tốc thì tổng hợp, gửi UBND tỉnh để kiến nghị Bộ GT-VT xem xét, cho cơ chế giải quyết.
Quảng Ngãi dự báo hụt thu tiền sử dụng đất hàng ngàn tỷ đồng
Kinhtedothi- Năm 2024, Chính phủ giao Quảng Ngãi thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách 2.600 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh 2.000 tỷ đồng. Nhưng theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, dự kiến tỉnh chỉ thu được khoảng 500 tỷ đồng.
Quảng Ngãi: Hàng ngàn mét vuông đất ruộng bỏ hoang vì sa bồi thủy phá
Kinhtedothi- Suốt nhiều năm nay, gần 5.000m2 đất nông nghiệp của người dân từng là “bờ xôi ruộng mật” lại lâm vào cảnh hoang hóa, cỏ dại mọc đầy.
Quảng Ngãi: lúa Đông Xuân 2023-2024 được mùa, được giá
Kinhtedothi- So với những năm trước, vụ lúa Đông Xuân 2023- 2024 ở Quảng Ngãi vừa được mùa, vừa được giá.