Chấn động "hồ sơ Uber" - vết đen sau thành công toàn cầu
Kinhtedothi - Một loạt các tập tài liệu bí mật bị rò rỉ đã tiết lộ câu chuyện bên trong về cách gã khổng lồ công nghệ Uber lách luật, lừa gạt cảnh sát, lợi dụng bạo lực đối với tài xế và bí mật vận động chính phủ trong quá trình mở rộng quy mô toàn cầu.
Bằng chứng lách luật
Được gọi là "hồ sơ Uber", cuộc điều tra dựa trên 124.000 hồ sơ và liên quan đến hàng chục tổ chức tin tức, đã phát hiện rằng ngay từ đầu trong lịch sử của công ty khởi nghiệp ở San Francisco, khi muốn chinh phục các thị trường mới, lãnh đạo của công ty đôi khi đã tận dụng phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp taxi chống lại tài xế công nghệ để thu hút sự ủng hộ và trốn tránh các cơ quan quản lý.
Bộ nhớ cache của các tệp, kéo dài từ năm 2013-2017, bao gồm hơn 83.000 email, tin nhắn iMessages và WhatsApp, và cả các cuộc trao đổi trực tiếp và không được soạn thảo giữa ông Kalanick và nhóm giám đốc điều hành hàng đầu của ông.
Uber trong một tuyên bố hôm 10/7 thừa nhận "những sai lầm", nhưng đổ lỗi cho ban lãnh đạo trước đó, do cựu Giám đốc điều hành Travis Kalanick dẫn dắt. Ông này đã bị buộc từ chức vào năm 2017 sau những cáo buộc ông có cách quản lý tàn bạo và nhiều lần quấy rối tình dục tại công ty.
Các tài liệu ghi lại trong khoảng thời gian 5 năm khi Uber được điều hành bởi người đồng sáng lập Travis Kalanick, người đã cố gắng đưa dịch vụ taxi công nghệ vào các thành phố trên khắp thế giới, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ sẽ vi phạm luật và quy định về taxi.
Kín đáo "vận động" VIP
Ngoài ra, dữ liệu còn cho thấy Uber đã cố gắng tăng cường sự ủng hộ bằng cách kín đáo "vận động" các thủ tướng, tổng thống, tỷ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông.
Một thông tin trong tài liệu chỉ ra rằng từ năm 2014 đến năm 2016, Uber đã có được sự ủng hộ của Bộ trưởng Kinh tế Pháp lúc bấy giờ là Emmanuel Macron, người hiện là tổng thống của đất nước. Công ty tin rằng ông Macron sẽ khuyến khích các nhà quản lý "bớt bảo thủ hơn khi nói đến các quy tắc hạn chế hoạt động của công ty”.
Các thông tin bị rò rỉ cho thấy các nhà đồng điều hành Uber không phải không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của công ty. Trong đó, một giám đốc nói đùa rằng họ đã trở thành "cướp biển" và một người khác thừa nhận: "Chúng ta chỉ là vi phạm pháp luật".
The Guardian nhận định vụ rò rỉ cho thấy những thực tiễn đáng nghi vấn về mặt đạo đức đã thúc đẩy sự chuyển đổi của công ty thành một trong những thương hiệu xuất khẩu nổi tiếng nhất của Thung lũng Silicon.
The Guardian đã dẫn đầu một cuộc điều tra toàn cầu về các tệp Uber bị rò rỉ, chia sẻ dữ liệu với các tổ chức truyền thông trên khắp thế giới thông qua Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Hơn 180 nhà báo tại 40 hãng truyền thông bao gồm Le Monde, Washington Post và BBC trong những ngày tới sẽ xuất bản một loạt phóng sự điều tra về gã khổng lồ công nghệ này.