Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chính sách bảo vệ môi trường trong Luật Thủ đô 2024

Kinhtedothi - Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện các nội dung đột phá, hướng tới xây dựng đô thị xanh, bền vững.

Về bảo vệ môi trường tại Điều 28 Luật Thủ đô 2024

Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định yêu cầu với Thủ đô: “Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí; xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước các hệ thống sông, hồ; các chương trình chống úng, ngập; hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, cây xanh đô thị... theo quy hoạch.”

Công viên hồ Phùng Khoang (công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phùng Khoang) phục vụ Nhân dân từ ngày 15/1/2025

Công viên hồ Phùng Khoang (công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phùng Khoang) phục vụ Nhân dân từ ngày 15/1/2025

Thể chế hoá Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô 2024 quy định việc quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô tuân theo các nguyên tắc: “Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch” (khoản 1 Điều 28).

Dựa trên các nguyên tắc trên, nhằm hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và bảo đảm thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trên địa bàn TP, Luật phân quyền cho HĐND TP quy định các chính sách, biện pháp đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Xác định vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong Vùng: Vùng phát thải thấp quy định trong Luật Thủ đô 2024 được hiểu là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí (khoản 6 Điều 3). HĐND TP được giao quyền quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp (điểm a khoản 2 Điều 28) [21].

Quy định này nhằm giải quyết vướng mắc trong thực tế do pháp luật hiện hành mới chỉ quy định các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các phân vùng môi trường nhưng chưa quy định cụ thể các biện pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư cho các phương thức sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ có mức độ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô.

Quyết định các biện pháp liên quan đến phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông nhằm hạn chế phát thải: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch (điểm b khoản 2 Điều 28).

Quy định này nhằm mục đích giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông ở Thủ đô trong bối cảnh hiện tại chưa có quy định về kiểm định khí thải định kỳ cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy đang lưu hành, phương tiện vận tải đường thủy, Hà Nội cũng chưa có quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Đây cũng là chính sách đã được áp dụng đối với TP Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thì phát triển TP Hồ Chí Minh.

Quy định các biện pháp hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn (điểm c khoản 2 Điều 28): Quy định này sẽ khuyến khích di dời cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làng nghề nông thôn, góp phần giảm tải áp lực lên môi trường do quá trình hoạt động của các cơ sở sản xuất, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Một góc Hà Nội

Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn TP; quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (điểm d khoản 2 Điều 28): Vấn đề giảm phát thải nhựa được quy định tại Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 mới chỉ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức việc thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn. Luật Thủ đô 2024 đã quy định bổ sung các biện pháp hiệu quả hơn để có thể giảm phát thải nhựa ngay từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng sinh hoạt [24]; quy định các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng liên quan đến tái chế rác thải.

Nhiệm vụ cấp bách, chiến lược

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vào cuối năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã giao nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho Hà Nội là tập trung bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải, không khí, nguồn nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần sớm làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch để tạo cảnh quan môi trường và phát triển du lịch ven dòng sông.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương cụ thể hóa chỉ đạo tinh thần trên, chỉ đạo UBND TP, cũng như toàn hệ thống chính trị tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn hướng tới TP “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc cải thiện chất lượng môi trường không khí và xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ cấp bách, mà còn là nhiệm vụ chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững và chất lượng sống của Nhân dân Thủ đô. Đây là yêu cầu mang tính lịch sử, đặt nền móng vững chắc cho Hà Nội trở thành Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp, nơi đáng sống và tự hào...

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

Để Luật đi vào đời sống thực chất, hiệu quả, phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm" cho các đơn vị liên quan.

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chủ quan, nhiều bệnh nhân viêm phổi nặng nhập viện

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ