- Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức do ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài, tuy nhiên, các DN Việt Nam nói chung, DN Thủ đô nói riêng với tinh thần “bản lĩnh - chịu khó - sáng tạo - đổi mới - hội nhập” đã đứng vững, tự tin và một số DN đã đạt kết quả rất tốt.
Riêng đối với Hà Nội, DNNVV có gần 232.000 DN, chiếm 97,2 số DN trên địa bàn, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 80%, đã đóng góp gần 40% thu ngân sách và trên 20% kim ngạch xuất khẩu, chiếm 36% tổng vốn đầu tư, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô, giải quyết việc làm cho trên 60% số lao động trên địa bàn. Đạt được kết quả trên là có sự nỗ lực của các DN, nhất là cơ chế, chính sách của TP Hà Nội đã cải thiện về môi trường kinh doanh.
Vậy, vai trò của Hanoisme đối với sự phát triển của DNNVV như thế nào, thưa ông?- Hanoisme thường xuyên đề xuất kiến nghị với TP, T.Ư, các bộ ngành về những vướng mắc khó khăn cho DN trong việc thực thi chính sách và pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, là thành viên trong Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của TP Hà Nội, Hanoisme đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức Câu lạc bộ Cà phê Doanh nhân để kết nối các DN…
Theo tôi, cần hết sức coi trọng các kiến nghị bổ sung cơ chế, chính sách. Bởi khi thường xuyên đánh giá chính sách tác động như thế nào đến DN, mới có thể đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn, qua tổ chức các hội nghị trực tiếp đối thoại với thuế, hải quan và công thương… những vướng mắc sẽ được tháo gỡ, DN vững tin vào môi trường kinh doanh được cải thiện.
Để tiếp tục hỗ trợ cho DN, nhất là DNNVV, DN siêu nhỏ, DN tư nhân phát triển, ông mong muốn điều gì ở cơ chế chính sách?- Theo tôi, đầu tiên tiếp tục hỗ trợ cho DN về mặt bằng sản xuất. Việc giảm tiền thuê đất tiếp tục được áp dụng cho các tổ chức kinh tế hoạt động trong cả lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, hộ gia đình và cá nhân, cũng như cho phép các chủ dự án gặp khó khăn về tài chính được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng… Thứ hai, tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Vốn sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là bài toán khó đối với các DN, đặc biệt là các DNNVV có năng lực tài chính yếu, nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Cần phát huy vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Thứ ba, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính góp phần giải phóng các nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực phát triển cho DN. Trong đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí tuân thủ về thuế, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…
Xin cảm ơn ông!