Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 7%, song mục tiêu của năm 2025 không hề dễ dàng. Mặc dù Việt Nam còn nhiều dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng những khó khăn từ nội tại nền kinh tế cho thấy không thể chủ quan. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) Võ Trí Thành chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Đến thời điểm này, số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt cao hơn những dự báo trước đó. Ông có bình luận gì về bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024?

- Tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tín hiệu tích cực. Thị trường xuất khẩu tương đối tốt, các đơn hàng đang trở lại với DN. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Số DN đăng ký mới những tháng gần đây đã có sự gia tăng trở lại.

Chúng ta cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động du lịch, dịch vụ, nhất là trong những tháng cuối năm, khi mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá mạnh.

Thế nhưng, nhìn sâu hơn vào những số liệu “nền”, chúng ta sẽ có một bức tranh khác, không phải không có những điều đáng lo. Chẳng hạn, về đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2024 là gần 2.912.100 tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tư mới giảm thì hệ quả là tăng trưởng năm sau sẽ khó.

Cũng trong 11 tháng năm 2024, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7%). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng, nhưng vẫn cách xa con số tăng trưởng hơn 10% của thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước 11 tháng đầu năm mới đạt 73,5% so với kế hoạch năm 2024. Việc đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm vẫn là một thách thức.

Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7% như yêu cầu của Quốc hội, phấn đấu mức 8%  (Chính phủ giao) và hiện nay đang quyết tâm để đạt được cao hơn, tăng trưởng trên hai con số. Mục tiêu này nói lên điều gì? Nhìn tới năm 2025, ông đánh giá tình hình như thế nào?

- Năm 2025 là năm cuối và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kế hoạch giai đoạn 2021- 2025. Trong khi đó, tăng trưởng GDP 3 năm 2021 - 2023 khá thấp, lần lượt là 2,58%, 8,02% và 5,05% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vì thế, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030.

Không thể phủ nhận, nếu tính theo quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người thì “hành trang” cho Việt Nam bước vào Kỷ nguyên vươn mình còn rất nhỏ bé. Để thực hiện hóa khát vọng vươn mình, đòi hỏi nền kinh tế phải tăng trưởng cao, bền vững trong những thập kỷ tới. Xét ở góc độ phát triển kinh tế, để hiện thực hóa khát vọng vươn mình, nền kinh tế của chúng ta cần tăng trưởng nhanh hơn và bền vững hơn, nhất là trong 5 - 10 năm tới.

Dù vậy tăng trưởng hai con số là một thách thức lớn. Trong những năm tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực dự báo vẫn diễn biến phức tạp, bất định, khó lường, tác động nhiều mặt tới kinh tế nước ta.

Các nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện tập trung vào mục tiêu duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2% và bảo đảm số việc làm tối đa. Tuy nhiên, các mục tiêu này hiện đang bị thách thức bởi các chính sách thuế quan và ngăn chặn người nhập cư mà ông Trump đề xuất, dự kiến có thể làm gia tăng áp lực lạm phát và thắt chặt thị trường lao động. Vì thế, tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nói riêng có thể khó khăn hơn vào năm 2025.

Tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có thể tác động đến xuất khẩu. Thứ nữa, chất lượng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng có thể giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng cho vay và đầu tư. Chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa để hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam. Tỷ giá, ngoại thương, căng thẳng địa chính trị và vấn đề nội tại vẫn là sẽ những “biến số” cần tiếp tục được “giải mã” trong năm 2025.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn, nhất là chi tiêu đầu vào cho sản xuất; áp lực trả nợ trái phiếu DN đến hạn lớn. Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản chậm được giải quyết.

Đáng nói, quy định pháp luật còn chồng chéo; một số văn bản quy định chi tiết chậm được ban hành; thủ tục hành chính còn rườm rà. Chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương.

Vậy khả năng thực hiện mục tiêu 2025 ra sao? Chúng ta có thể phát huy những cơ hội, động lực tăng trưởng kinh tế nào trong năm 2025? Đâu là giải pháp quan trọng cần phải thực hiện, để nền kinh tế có thể tăng tốc, bứt phá trong năm 2025?

- Tôi cho rằng, không chỉ tốc độ, quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng. Nếu chỉ dựa vào lượng vốn và lao động giá rẻ thì sẽ gây bất ổn về kinh tế vĩ mô. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 16%. Làm thế nào để dòng tiền ấy chảy vào các khu vực sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả để tạo ra giá trị thặng dư cao, góp phần tích cực cho tăng trưởng bền vững chứ không để dòng tiền đi vào khu vực đầu cơ như vàng, chứng khoán, tiền ảo…

Quan trọng nữa là hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư được đo bằng hệ số ICOR - thể hiện để tạo ra một đồng GDP (giá so sánh) tăng thêm, phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư.

Tôi cho rằng, Chính phủ đã nhận thức rõ ràng trong giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ này (đến năm 2025) và cả trong nhiệm kỳ tiếp theo, cần phải tập trung vào việc phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, đặc biệt là chú trọng vào đầu tư. Trong đó, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.

Việc đẩy mạnh đầu tư tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, giúp tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững. Để thúc đẩy đầu tư tư nhân, trong bối cảnh khó khăn và hạn chế về các gói kích thích kinh tế, Chính phủ cần triển khai các chương trình bình ổn giá cả, thúc đẩy hàng Việt Nam chất lượng cao và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Chính sách hỗ trợ DN tư nhân cần thực chất, vừa thúc đẩy cung vừa hỗ trợ cầu, giúp giảm giá thành sản phẩm và nâng cao giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu.

Về tiêu dùng, cần phải chuẩn bị các nguồn lực ngay từ bây giờ. Cần phải có chính sách khơi dậy tiềm năng phát triển thị trường trong nước. Khu dịch vụ của nước ta vừa là thị trường tiêu dùng của hơn 100 triệu dân trong nước, vừa liên quan đến dịch vụ thu hút khách du lịch nước ngoài. Nếu khơi thông được yếu tố này, chúng ta cũng đã tạo ra được một giá trị tăng trưởng rất lớn, vì nó chiếm trên 50% GDP.

Tăng thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, tăng năng suất lao động, đưa mức năng suất lao động của Việt Nam lên cao, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu.

Chính phủ đã thấy được khó khăn, hạn chế còn tồn tại của nền kinh tế, chính vì vậy, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh làm mới động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới? Ông đánh giá sao về các giải pháp Chính phủ đưa ra hiện nay?

- Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều về các động lực tăng trưởng mới, nhưng phát huy ra sao, tác động như thế nào đến nền kinh tế thì lại chưa thể sớm đong đếm. Lần này, chúng ta đã thấy rõ ràng hơn, khi các dự án trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch… đang được thúc đẩy.

Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, lập các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và người dân, DN

Về hạ tầng, đặc biệt, đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược. Thúc đẩy khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện quyết liệt các đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng hiện đại và hoàn thiện thể chế phát triển. Bên cạnh đó, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả trong và ngoài nước.

Ông đánh giá sao về “bước chuyển mạnh mẽ về thể chế” mà Chính phủ đang đặt ra với các bộ ngành, địa phương?

- Việc hóa giải các điểm nghẽn thể chế có vai trò quyết định. Vừa rồi, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản luật, ghi nhận bước tiến mới trong việc gỡ khó cho môi trường đầu tư, kinh doanh, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là công việc liên tục, cần tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh, cải cách, sửa đổi kịp thời theo tinh thần xây dựng môi trường kinh doanh có tính kiến tạo, ổn định, minh bạch.

Năm 2025, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực, tạo tiền đề để nền kinh tế bứt phá trong năm 2025. Tăng cường phân cấp cho địa phương. Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Với trọng tâm tiếp theo là đột phá về pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt DN, dự án trên cả nước.

Tôi đánh giá cao việc Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, với các chính sách ưu đãi phù hợp nhằm khuyến khích DN đầu tư vào các dự án kinh tế tuần hoàn. Đề xuất các giải pháp đột phá để tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Những kiến nghị về cải cách môi trường kinh doanh mà DN gửi đến các cơ quan chức năng sẽ được xử lý rốt ráo. Ðặc biệt, phải dứt khoát xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Cùng chuyên mục
Belarus muốn cung ứng xe buýt và tàu điện ngầm cho Hà Nội

Belarus muốn cung ứng xe buýt và tàu điện ngầm cho Hà Nội

26/12/2021 | 22:29

Kinhtedothi - Ngày 8/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa (CH) Belarus tại Việt Nam - ông Valery Sadokho. Cùng dự có đại diện các sở, ngành chức năng TP và một số DN Belarus.

Tin mới
Belarus muốn cung ứng xe buýt và tàu điện ngầm cho Hà Nội

Belarus muốn cung ứng xe buýt và tàu điện ngầm cho Hà Nội

26/12/2021 | 22:29

Kinhtedothi - Ngày 8/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa (CH) Belarus tại Việt Nam - ông Valery Sadokho. Cùng dự có đại diện các sở, ngành chức năng TP và một số DN Belarus.

Tin tài trợ