Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh tiểu học bán trú

Kinhtedothi - Với 120 thực đơn, 360 món ăn không lặp lại... nhà quản lý kỳ vọng sẽ cân bằng dinh dưỡng cho học sinh (HS) bán trú tại các trường tiểu học trên địa bàn Thủ đô.

Cân bằng dinh dưỡng

Nhằm cân bằng dinh dưỡng, giảm tình trạng thấp còi, béo phì ở HS, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” cho 420 trường tiểu học có tổ chức bữa ăn bán trú ở Hà Nội. Đây là phần mềm thuộc Dự án Bữa ăn học đường do Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng, phối hợp với Bộ GD&ĐT và Viện Dinh dưỡng quốc gia triển khai.

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh:  Sơn Trà

Theo cảnh báo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, Việt Nam đang đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng: Tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em nông thôn và tình trạng thừa cân béo phì của trẻ em thành thị. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn phổ biến ở cả trẻ nông thôn và TP. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt giai đoạn 2011 - 2030. Tuy vậy, các trường tiểu học còn gặp khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn vì hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, kinh nghiệm xây dựng thực đơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, mà phù hợp mức chi phí hàng tháng.

Đánh giá về Dự án Bữa ăn học đường, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thực đơn chuẩn cho HS tiểu học vừa đảm bảo chất lượng bữa ăn, đồng thời góp phần giáo dục HS về thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học, góp phần kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất để đảm bảo sự phát triển toàn diện đối với HS tiểu học.

Áp dụng thực đơn chuẩn

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội có hơn 650.000 HS tiểu học, trong đó hơn 50% ăn bán trú ở trường, do vậy, việc quan tâm tới bữa ăn bán trú là tất yếu. "Ở bậc mầm non, chăm sóc trẻ là nhiệm vụ chính nên các trường rất quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, có tiêu chí cụ thể đối với bữa ăn bán trú. Còn với bậc tiểu học, việc tổ chức bán trú chủ yếu đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con cả ngày. Không phải nhiệm vụ chuyên ngành nên các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt là xây dựng thực đơn bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với tâm lý lứa tuổi" - ông Tiến thừa nhận.

Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) là một trong những cơ sở thí điểm thực hiện Bữa ăn học đường được 2 năm. Bà Đinh Thùy Dung - Hiệu trưởng nhà trường ghi nhận, phần mềm rất thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo uy tín với phụ huynh trong việc xây dựng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng. Các món ăn rất bắt mắt, ngon miệng, HS rất thích. Thông qua bữa ăn, HS được ăn đa dạng nhiều thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ. Nhiều HS trước đây chỉ biết ăn trứng, thịt, không biết ăn rau, cá... nay đã thay đổi được thói quen. Được biết, tới đây, hơn 400 trường tiểu học trên toàn TP sẽ đồng loạt triển khai phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Với việc triển khai phần mềm này, Hà Nội đã thẩm định được 40 thực đơn trong trường học, không trùng lặp, giúp cho các trường có công cụ để xây dựng bữa ăn của HS đầy đủ dưỡng chất với mức phí phù hợp với từng cơ sở, góp phần quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn, thực phẩm dinh dưỡng.

Hy vọng với việc áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng này, bữa ăn HS tiểu học Hà Nội sẽ được cải thiện tích cực, đảm bảo phát triển toàn diện về sức khỏe thể chất.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ