Chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo mạnh, Nasdaq rơi vào vùng điều chỉnh
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/1, với chỉ số Nasdaq Composite rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh khi nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu công nghệ.
Các chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt lao dốc khi đóng cửa phiên ngày 19/1, Nasdaq đã xác nhận rơi vào xu hướng điều chỉnh khi mất 10,7% so với mức đỉnh kỷ lục, do các nhà đầu tư tiếp tục lo lắng về lợi suất kho bạc Mỹ tăng cao và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Nasdaq Composite sụt 1,15% xuống 14.340,26 điểm. Đà lao dốc trong phiên này đã khiến chỉ số giảm 10,7% so với mức đóng cửa cao kỷ lục gần đây nhất được ghi nhận hồi tháng 11/2021.
Chỉ số Dow Jones mất 339,82 điểm, tương đương 0,96%, xuống còn 35.028,65 điểm, chịu áp lực từ đà giảm 3,1% của cổ phiếu Caterpillar. Chỉ số S&P 500 cũng giảm gần 1% về mức 4.532,76 điểm.
Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hóa nhỏ hạ 1,6%, đóng cửa ở mức thấp nhất trong 52 tuần qua.
Lợi suất trái phiếu leo thang đã gây áp lực lớn lên giá cổ phiếu trên sàn Phố Wall từ đầu năm đến nay trong bối cảnh giới đầu tư chuẩn bị đón nhận khả năng FED mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong phiên ngày thứ Tư, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 1,9%, tăng mạnh từ mức 1,5% vào thời điểm đầu năm nay và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.
Việc chỉ số Nasdaq Composite trượt dài khỏi mức đỉnh thiết lập vào tháng 11/2021 chủ yếu do cổ phiếu tăng trưởng bị bán tháo. Nhóm cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ, đã được mua ồ ạt thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Cổ phiếu Peloton hiện đã giảm 80% từ đỉnh, Zoom Video giảm hơn 70%. Các cổ phiếu Moderna, DocuSign và Paypal đều sụt hơn 40% mỗi cổ phiếu kể từ mức cao nhất.
Chỉ số Nasdaq chịu áp lực lớn khi lãi suất tăng, vì lãi suất cao hơn khiến lợi nhuận tương lai của các công ty công nghệ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp công nghệ vay nợ lớn để tài trợ cho các dự án nghiên cứu sáng tạo. Nasdaq Composite đã rơi vào vùng điều chỉnh nhưng chỉ số thị trường S&P 500 chỉ thấp hơn khoảng 5% so với đỉnh.
Nhà quản lý quỹ Jack Ablin của Cressset Capital nhận xét: “Nhà đầu tư đang lo ngại rằng lãi suất tăng lên và việc thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính sẽ dẫn tới áp lực lên định giá cổ phiếu, đảo ngược xu hướng đi lên đã kéo dài cả thập kỷ dựa trên chính sách lỏng lẻo của FED”.
Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm bất chấp nhiều công ty lớn thông báo kết quả kinh doanh tích cực. Trong số 44 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo quý IV/2021, gần 73% có lợi nhuận vượt kỳ vọng của Phố Wall, theo số liệu từ FactSet.
Ngân hàng Hoa Kỳ (BoA), một trong 4 tổ chức ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, đạt doanh thu và lợi nhuận vượt dự báo, nhưng giá cổ phiếu chỉ tăng 0,4%, sau khi giảm 3,4% trong phiên trước đó. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn khác đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.
Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 1,8% sau khi công bố lợi nhuận vượt dự báo. Doanh thu giao dịch cổ phiếu quý IV/2021 tăng 13%. Cổ phiếu Procter & Gamble tăng gần 3,4% sau khi thông báo kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến, đồng thời nâng kế hoạch doanh thu cả năm tài khóa.
“Lạm phát cao hơn làm gia tăng lo ngại về chi phí đầu vào với nhiều công ty, tuy nhiên kết quả kinh doanh của Procter & Gamble tích cực đã giải tỏa một số lo ngại trước đó”- chiến lược gia trưởng về thị trường Matt Maley tại Miller Tabak + Co nhận định.
Lo sợ FED mạnh tay kiềm chế lạm phát, chứng khoán Mỹ biến động mạnh
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong ngày 10/1 khi nhà đầu tư lo ngại về chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED).
Lợi suất trái phiếu chạm đỉnh 2 năm, chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh
Chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba do nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.