Chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền
Kinhtedothi - Chiều 17/10, NHNN tổ chức công bố quyết định chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng (CB).
Cụ thể, CB được chuyển giao cho Vietcombank, còn OceanBank được chuyển giao cho MB. Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Các đại biểu tại lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank và OceanBank cho MB. Ảnh VGP
Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. NHNN đã phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
NHNN khẳng định, tiền gửi của người dân tại 2 ngân hàng "0 đồng" sẽ được đảm bảo trước, trong và sau chuyển giao bắt buộc.
Về quyền lợi của ngân hàng nhận chuyển giao, NHNN cho biết, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được biện pháp hỗ trợ theo quy định. “Mức độ hỗ trợ của các ngân hàng nhận chuyển giao sẽ phụ thuộc vào lộ trình tái cơ cấu của các ngân hàng, nhưng việc hỗ trợ là “không thể không có”. Khi nhận chuyển giao, các ngân hàng nhận chuyển giao cũng sẽ được hỗ trợ nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu đối với CB, OceanBank, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại CB, OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Vietcombank, MB là ngân hàng thương mại hàng đầu có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để Vietcombank, MB mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc gồm CBBank, OceanBank và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và một ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Đông Á.
Liên quan vấn đề xử lý đối với GPBank và Dong A Bank, NHNN cho biết, đang chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao rà soát và sẽ có phương án sớm nhất để nhận chuyển giao bắt buộc.
Với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), NHNN nêu đang triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng: Tiếp tục điều hành tốt hơn nữa chính sách tiền tệ
Kinhtedothi - Chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãnh đạo một số bộ, ngành về điều hành chính sách tiền tệ.

Tỷ giá vẫn là mối quan tâm lớn
Kinhtedothi - Tỷ giá VND/USD trong nước đang quay đầu tăng trở lại trong những ngày gần đây. Tỷ giá vẫn là mối quan tâm rất lớn từ nay tới cuối năm.

Chính sách tiền tệ cởi mở, hỗ trợ nhiều vốn hơn cho nền kinh tế
Kinhtedothi - Từ nay đến cuối năm điều hành chính sách tiền tệ sẽ cởi mở hơn theo hướng linh hoạt hỗ trợ cho DN, nền kinh tế tăng trưởng… theo mục tiêu của Chính phủ.