Thursday, 09:17 16/02/2017
Cơ hội thúc đẩy kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20
Kinhtedothi - Ngày 16 - 17/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Đức.
Đây là lần đầu tiên một nước chủ nhà năm APEC không phải là thành viên G20 được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và là lần thứ 2 Việt Nam tham dự một hội nghị thượng đỉnh của G20. Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng đã có cuộc trao đổi với báo chí về ý nghĩa và đóng góp của Việt Nam trong hội nghị lần này.
G20 là diễn đàn tập hợp các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu. Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò của G20 và quan hệ giữa Việt Nam và nhóm G20?
- Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên G20 đang phát triển tốt đẹp. Hiện, 10 nước thành viên G20 có quan hệ đối tác chiến lược và 2 nước thành viên có quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam với các thành viên G20 ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Năm 2010, Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 trên cương vị Chủ tịch ASEAN và đã đóng góp rất tích cực, hiệu quả vào tiến trình G20 năm 2010. Năm 2017, Việt Nam lại được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan của G20 với tư cách nước chủ nhà năm APEC 2017. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng ta tham gia bàn thảo và đóng góp vào các công việc quan trọng toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Theo Đại sứ, Việt Nam trên cương vị chủ nhà Năm APEC 2017 có thể thúc đẩy những ưu tiên gì của APEC vào nghị sự G20?
- Theo tôi, việc Việt Nam được mời dự các Hội nghị G20, trước hết là do vị thế và uy tín ngày càng cao, sự đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc của khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện mối quan hệ tốt đẹp Việt - Đức.
Chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20 năm nay có nhiều điểm tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam trong năm APEC. |
Chủ đề và trọng tâm nghị sự của G20 năm nay có nhiều điểm tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong Năm APEC như cùng hướng đến thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư; khuyến khích đổi mới - sáng tạo; hợp tác chống biến đổi khí hậu… Đây là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao là một hội nghị quan trọng của G20 trong năm 2017. Xin Đại sứ cho biết những vấn đề Việt Nam dự kiến đóng góp tại Hội nghị?
- Với chủ đề “Định hình trật tự toàn cầu - chính sách đối ngoại vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng”, Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề: Thúc đẩy thực hiện Nghị sự 2030; Duy trì hòa bình trong bối cảnh mới và Hợp tác, hỗ trợ châu Phi. Đây đều là những vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế, có tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững ở nhiều quốc gia và khu vực.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20. Với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy các vấn đề quan tâm chung của quốc tế như tăng cường quan hệ đối tác, hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc; tăng cường hợp tác củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Xin cảm ơn ông!