Wednesday, 10:32 07/06/2017
Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Vụ cô lập ngoại giao Qatar là "giọt nước tràn ly"
Kinhtedothi - Đó là khẳng định của cựu Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông trước việc một loạt nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Trước sự việc một loạt quốc gia vùng Vịnh là Ả Rập Saudi, Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Yemen cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Khai - cựu Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông xung quanh vấn đề này.
Là nhà ngoại giao có thời gian dài công tác ở khu vực Trung Đông, ông có nhận định gì về việc Qatar vừa bị một loạt quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ?
Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ các nước vùng Vịnh kể từ khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) thành lập từ năm 1981 tới nay. Việt Nam có quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp với 6 nước trong GCC. Do đó, cá nhân tôi cảm thấy rất đáng tiếc khi mâu thuẫn giữa những “người anh em trong một nhà” và là “bạn bè” của Việt Nam bị đẩy cao đến mức cắt đứt ngoại giao, đóng cửa tuyến đường hàng không, hàng hải… như vừa qua.
Giọt nước tràn ly
Theo ông, có nguyên nhân sâu xa gì đằng sau động thái của các nước vùng Vịnh?
Trong các tuyên bố nêu lý do công khai cắt đứt quan hệ với Qatar, 5 nước đều cho rằng Doha đã ủng hộ các lực lượng khủng bố như: Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các tổ chức đang còn gây tranh cãi như Anh em Hồi giáo hay Hamas. Theo đó gây chia rẽ, can thiệp công việc nội bộ và làm tổn hại an ninh quốc gia những nước này.
Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ cho nguyên nhân sâu xa hơn. Qatar đã tiến hành một chính sách đối ngoại khá độc lập, do đó có quan điểm khác biệt với các nước thành viên của Hội đồng, đặc biệt không muốn gây căng thẳng trong quan hệ với Iran; đồng thời, muốn giải quyết bất đồng giữa Iran với các nước vùng Vịnh khác bằng biện pháp hòa bình, các kênh ngoại giao.
Trong khi đó, Ả Rập Saudi vốn có mâu thuẫn với Iran trong cuộc chạy đua nhằm giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, hay UAE cũng còn tranh chấp lãnh thổ với Iran trong khi Bahrain quan ngại Iran có than thiệp tới bầu cử nước này. Ngoài lý do trên, Qatar cũng duy trì quan điểm khác biệt so với các nước thành viên GCC trong việc xử lý các vấn đề khủng hoảng khu vực như Syria, Iraq.
Vụ việc này ảnh hưởng tới khu vực Trung Đông nói riêng và thế giới nói chung như thế nào?
Căng thẳng của Qatar với các nước vùng Vịnh chắc chắn sẽ làm căng thẳng hơn tình hình khu vực Trung Đông, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như dư cung dầu mỏ, khủng bố, xung đột Syria… GCC là một tổ chức khu vực bao gồm những quốc gia có tầm ảnh hưởng, tọa lạc ở khu vực chiến lược vùng Vịnh, với eo biển Hormuz trọng yếu nơi thông thương 30% lượng dầu mỏ thế giới giao dịch qua đường biển. Mâu thuẫn giữa Qatar và các nước GCC cũng làm phức tạp các nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria của cộng đồng quốc tế, gây chia rẽ sâu sắc hơn tới nội bộ các nước vùng Vịnh vốn có mâu thuẫn ngầm.
Sự việc đến ngày hôm nay chỉ là giọt nước tràn ly, do nguyên nhân sâu xa là những khúc mắc giữa các nước vùng Vịnh với Iran bắt rễ từ lâu. Căng thẳng giữa Qatar với các nước vùng Vịnh, chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Trung Đông, ảnh hưởng quan hệ kinh tế, đầu tư, hợp tác giữa cộng đồng quốc tế với khu vực, thậm chí đe dọa tương lai của GCC.
Các nước thành viên GCC đều có quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp với Mỹ và chuyến công du của Tổng thống Mỹ vừa qua tới khu vực Trung Đông đã góp phần cải thiện quan hệ giữa Washington với các nước vùng Vịnh. Đặc biệt là cuộc gặp giữa ông Donald Trump với lãnh đạo gần 50 quốc gia Hồi giáo trong chuyến thăm cho thấy quan hệ hai bên có tương lai phát triển sáng lạn.
Bùng nổ ngay sau chuyến thăm của ông Trump, cuộc khủng hoảng ngoại giao này có thể ảnh hưởng tới thành quả của chuyến đi, trong đó có ý tưởng thành lập một “NATO Ả Rập” của ông Trump với vai trò là một liên minh quân sự khu vực nhằm chống khủng bố. Tổ chức cũng nhằm chĩa vào phía Iran để kiềm chế ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.
Giá dầu gặp sức ép?
Trung Đông là khu vực sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Một số nhận định quốc tế lo ngại việc vận chuyển dầu sẽ bị đình trệ khi Ả Rập Saudi, Iran và Qatar sử dụng chung đường eo biển Hormuz làm nơi thông thương nhiên liệu này và gây ảnh hưởng tới giá dầu. Nhận định của ông là gì?
Chính vì eo biển Hormuz có tầm quan trọng sống còn không chỉ với các quốc gia Trung Đông mà còn có ý nghĩa cực kỳ lớn với nền kinh tế thế giới, khả năng khu vực này bị ảnh hưởng là không lớn. Không ai muốn dòng chảy dầu huyết mạch này bị rò rỉ. Trải qua Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991 hay cuộc Mỹ đưa quân vào Iraq vốn được coi là Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai vào năm 2003, thì khu vực này vẫn duy trì hoạt động thông thương bình thường.
Do đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa GCC với Qatar sẽ không bị ảnh hưởng nhiều tới thị trường dầu mỏ, bởi khu vực eo biển Hormuz then chốt vẫn duy trì thông thương trong vùng biển quốc tế với cung cầu không đổi. Giá dầu trong dài hạn chắc chắn không bị ảnh hưởng lớn… Giá dầu có lên xuống trong 2 ngày qua kể từ khi có tuyên bố cắt đứt quan hệ là do yếu tố tâm lý ngắn hạn.
Xin cảm ơn ông!
Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai là nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Trong 37 năm công tác, ông đã làm việc tại nhiều nước Trung Đông, là Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và UAE.