Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Cứu giá cổ phiếu ngân hàng bằng giao dịch “khủng”

Kinhtedothi - Hàng loạt giao dịch “khủng” mua vào cổ phiếu đã và đang được các sếp ngân hàng và người nhà thực hiện thời gian qua. Ngoài mục đích nâng tỷ lệ sở hữu, động thái này còn nhằm “đỡ” giá cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu nhóm ngành dẫn dắt thị trường đang suy giảm phong độ, thanh khoản thấp dù kết quả kinh doanh khả quan.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietinbank Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng
“Cá mập” ra tay
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố các giao dịch cổ phiếu lớn của lãnh đạo và người nhà. Theo đó, Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã thông báo về giao dịch cổ phiếu của ông Đỗ Minh Quân, con trai ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã CK: TPB). Cụ thể, ông Đỗ Minh Quân vừa mua xong toàn bộ 25 triệu cổ phiếu TPB đã đăng ký. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, diễn ra từ ngày 27-30/11/2018. Theo thống kê, từ ngày 27/11- 30/11, có tổng 25 triệu cổ phiếu TPB đã được sang tay theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị là 608,35 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận “khủng” nhưng cổ phiếu TCB giảm 2,14% trong một tuần qua, giảm 35,78% từ khi niêm niết; cổ phiếu VPB qua một tuần gần đây nhất giảm 7,49%, từ một năm, một quý và từ khi niêm yết đến nay cũng đều đi xuống; cổ phiếu SHB thì vẫn gian nan trên đường về mệnh giá.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank- Mã CK: TCB) cũng đã công bố thông tin về giao dịch của người liên quan tới ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Hồ Anh Minh - con trai ông Hồ Hùng Anh đăng ký mua vào hơn 44,7 triệu cổ phiếu TCB, giao dịch thỏa thuận dự kiến thực hiện từ 14 - 31/12/2018. Với mức giá khoảng 28.250 đồng/cổ phiếu, ước tính ông Hồ Anh Minh sẽ phải chi gần 1.263 tỷ đồng để sở hữu số cổ phiếu mà mình đăng ký mua.

Trên thị trường chứng khoán, các thông báo mua vào cổ phiếu khối lượng lớn của “người nhà” các ngân hàng HDBank, LienVietPostBank, VPBank… cũng được thực hiện. Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB) có thông báo về giao dịch người nội bộ ở ngân hàng này. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, ông Ngô Chí Dũng vừa đăng ký mua 8 triệu cổ phiếu VPB. Đồng thời, mẹ ông Dũng - bà Vũ Thị Quyên cũng đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu. Thời gian đăng ký giao dịch bắt đầu từ ngày 21/11/2018 tới 21/12/2018 thông qua khớp lệnh trên HOSE. Mục đích giao dịch nhằm mua bổ sung cổ phiếu VPB. Trước đó, hồi cuối tháng 10, vợ ông Dũng, bà Hoàng Anh Minh cũng đã hoàn tất gom vào hơn 7 triệu cổ phiếu VPB, nâng sở hữu lên hơn 125 triệu đơn vị, chiếm 4,916% vốn điều lệ nhà băng.

Tăng sở hữu hay “cứu” giá cổ phiếu?

Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Nguyễn Thế Minh đánh giá, việc hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng mua vào trong thời gian qua nhằm tận dụng thời điểm mức giá hấp dẫn của cổ phiếu dòng ngân hàng để tăng tỷ lệ sở hữu.

Thông báo về giao dịch người nội bộ nói trên của VPBank cũng cho biết, mục đích giao dịch nhằm mua bổ sung cổ phiếu VPB.

Trước đó, “công tử” nhà Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Tú không nắm giữ cổ phiếu nào của TPBank. Với việc mua xong toàn bộ 25 triệu cổ phiếu TPB đã đăng ký mới đây, con trai ông Đỗ Anh Tú đã nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại ngân hàng này, đồng thời tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu TPB của gia đình Phó Chủ tịch HĐQT TPBank.

Còn tại Techcombank, nếu giao dịch nói trên thành công, con trai ông Hồ Hùng Anh sẽ nâng sở hữu của mình tại ngân hàng lên hơn 137,9 nghìn cổ phiếu TCB, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,9455%. Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh cùng các thành viên trong gia đình đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu tại Techcombank. Ông Hùng Anh nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hùng Anh) và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ ruột ông Hùng Anh), mỗi người đang sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB. Như vậy, ông Hùng Anh và những người liên quan đang nắm giữ hơn 595 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với 17% vốn điều lệ ngân hàng.

Tại VPBank, nếu giao dịch đăng ký mua của ông Dũng và bà Quyên thành công, gia đình ông Ngô Chí Dũng sẽ nắm hơn 367 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với tỷ lệ sở hữu khoảng 14,5% vốn điều lệ ngân hàng.

Giới phân tích cho rằng, việc lãnh đạo và người nhà ngân hàng mạnh tay gom cổ phiếu cũng là một động thái “đỡ” giá cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu nhóm ngành dẫn dắt này đang suy giảm phong độ thời gian qua.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ