Saturday, 10:31 08/10/2016
Cứu hồ từ gốc
Hồ Tây không chỉ là “lá phổi xanh”, mà còn là niềm tự hào của Hà Nội. Trong rất nhiều ưu điểm nổi trội, Hồ Tây còn là hồ có diện tích rộng nhất, nước sạch nhất còn lại trong các hồ ở trung tâm Hà Nội.
Chính vì vậy, sự cố khoảng 200 tấn cá Hồ Tây chết trắng chưa rõ nguyên nhân đã gây xôn xao dư luận Thủ đô và cả nước.
Do tính chất nghiêm trọng, nên ngay khi xảy ra sự việc, TP đã huy động máy bơm nước, máy sục oxy hoạt động liên tục, rải 5,4 tấn chế phẩm Redoxy-3C làm sạch nước do Công ty Watch Wate (Đức) sản xuất theo đơn đặt hàng của UBND TP.
Hà Nội cũng đã huy động khoảng 1.000 người, và triển khai 100 thuyền các loại tiến hành vớt cá chết mang đi tiêu hủy. Cùng với việc khắc phục hậu quả, TP đã huy động các cơ quan chức năng, các nhà khoa học khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết theo chủ trương của Chính phủ để nhanh chóng ổn định tư tưởng và đời sống của Nhân dân, tránh kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi trong cả nước cũng có hiện tượng cá chết như hiện nay.
Cho đến chiều 3/10, mọi việc cơ bản đã hoàn thành, có thể nói việc cá chết ở Hồ Tây đã qua. Nhưng dư âm của nó, chủ yếu là nguyên nhân vì sao cá ở các hồ nước Hà Nội thỉnh thoảng lại chết trắng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Chỉ có tìm ra nguồn gốc của nó, tìm giải pháp khắc phục từ nguyên nhân gốc, mới hy vọng xử lý triệt để tình trạng này.
Việc cá chết ở Hồ Tây thực ra không phải là trường hợp cá biệt, trên các hồ nước của Hà Nội. Trước đó, vào ngày 8/6, người dân sống quanh hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa) phát hiện rất nhiều cá chết nổi trắng bụng trong hồ. Ngay trong buổi sáng hôm đó, nhân viên vệ sinh hồ thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội đã vớt nhiều lần nhưng không xuể. Để cứu môi trường hồ, hơn 400 nhân viên từ nhiều đơn vị thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội đã được huy động làm việc từ tối 8/6 đến sáng 9/6 để vớt hết số cá chết. 8 máy sục oxy và 4 máy phun nước tạo khí ở góc hồ (cạnh đường Hoàng Cầu) liên tục hoạt động. 4 chiếc xuồng, mỗi chiếc chở 3 - 4 nhân viên liên tục di chuyển trên mặt nước để vớt cá, rác thải...
Theo một số chuyên gia, cá ở hồ Hoàng Cầu chết hàng loạt có thể do ô nhiễm khí độc sinh ra sau cơn mưa lớn bởi rác thải và chất thải từ cống chảy vào hồ. "Ngoài ra, cũng có thể do rác thải quá nhiều khiến độ pH trong nước cao bất thường và nhiệt độ trong hồ thay đổi đột ngột khi đang nắng to gặp mưa lớn". Thế là đã rõ. Nguyên nhân này có lẽ trùng khớp với trường hợp Hồ Tây. Theo một số liệu mới công bố, riêng Hồ Tây có 24 cống xả nước thải sinh hoạt trực tiếp vào hồ, chưa kể rác sinh hoạt từ bờ, trên các cửa hàng nổi trút xuống suốt đêm ngày.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam : Tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 112 ao, hồ với tổng diện tích mặt nước là 6.969.305m2. Trong đó có 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng. Có thể kể đến như hồ Văn Chương, hồ Linh Quang, hồ Thiền Quang, hồ Kim Liên, hồ Ba Mẫu, Ao phủ… Bên cạnh các ao, hồ còn có các sông cũng trong tình trạng tương tự, như Kim Ngưu, Tô Lịch…
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm môi trường là vì nước thải sinh hoạt từ cống nhỏ chảy thẳng ra các sông, hồ này. Thậm chí rác thải sinh hoạt trôi nổi trên mặt nước do các hộ dân xung quanh vứt xuống hồ. Chính từ những ô nhiễm này đã làm gia tăng nồng độ các chất hữu cơ, làm mất khả năng tự làm sạch của hồ, và khiến cho nước ở các ao, hồ bẩn đục.
Hiện, ở Hà Nội còn hơn 50 hồ chưa được cải tạo. Môi trường các hồ này đang ô nhiễm nghiêm trọng. Lại có hồ nước qua nhiều năm lắng cặn, không được nạo vét, dân xung quanh lấn chiếm, diện tích ao, hồ trên địa bàn TP bị thu hẹp dần.
Nguồn gốc của cá chết ở Hồ Tây và các hồ đã tương đối rõ. Chỉ khi nào tách riêng được nguồn nước sạch với nước thải sinh hoạt chảy vào hồ ao mới có thể chấm dứt được tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, xử lý khẩn cấp thì được, nhưng về lâu dài không thể bằng các biện pháp “chữa ngọn” tốn kém như thay nước, sục oxy, rải chế phẩm Redoxy-3C được. Phải dùng kinh phí đó để ngăn các nguồn nước thải, cặn rác chảy vào hồ, ao và giáo dục người dân ven hồ bảo vệ “lá phổi” chung.
Tags