Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đặc sản “ám khói” về Hà Nội nổ đơn thu tiền triệu

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn 3 tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022, nên nhu cầu mua sắm nông sản, sản vật độc đáo của các vùng miền làm quà biếu và thưởng thức bắt đầu tăng cao, khiến thị trường trở nên sôi động.

Những ngày này trên mạng xã hội Zalo, Facebook đã tràn ngập những lời chào mời mua đặc sản vùng miền. Như miền núi phía Bắc có thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Sản phẩm miền Trung có đặc sản nem chua, giò bê, bánh tôm..., hay trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều, rong biển từ vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ... Tại một trang Facebook có tên "Khô gà lá chanh" rao bán lạc rang tỏi ớt 95.000 đồng/kg, khô gà 45.000 đồng/100g, thịt lợn khô cháy tỏi 50.000 đồng/100g…

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại điểm giới thiệu sản phẩm OCOP
Thực tế cho thấy, mặc dù Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề, nhu cầu tiêu thụ đặc sản vùng miền tăng nhưng giá các sản phẩm khá ổn định, không xẩy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Hiện măng Tuyên Quang, Sơn La giá bán buôn 180.000 - 210.000 đồng/kg, măng rối 130.000 - 150.000 đồng/kg, nấm hương rừng Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) 380.000 - 400.000 đồng/kg, thịt trâu, bò gác bếp các tỉnh miền núi Tây Bắc 900.000 - 1 triệu đồng/kg, cá kho làng Vũ Đại giá 600.000 - 1,5 triệu đồng/nồi 1,5 - 4kg, lạp sườn Tây Bắc có giá 480.000 - 500.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Na, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản vùng miền ở chợ Xuân La (quận Tây Hồ) cho hay, các loại đặc sản như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, tôm chua Huế... đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng đặt mua. Để kích cầu tiêu dùng nhiều người kinh doanh miễn phí tiền công vận chuyển, giảm giá 3 - 5% cho những đơn hàng trị giá 2 triệu đồng trở lên.

Những ngày này không chỉ mạng xã hội mới chào mời mua đặc sản vùng miền làm quà biếu Tết, mà hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản vùng miền, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tại hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ đưa ra thị trường một số đặc sản 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Cá trắm làng Vũ Đại, bánh tét Trà Vinh, chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật Lạng Sơn, giò me Nghệ An...

Tương tự Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro - doanh nghiệp quản lý hệ thống siêu thị Hapro) cũng đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Tuệ Tâm, thông tin hiện hệ thống siêu thị Hapro đã đưa ra thị trường bộ sản phẩm đặc sản vùng miền các tỉnh phía Bắc như miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La, Bắc Giang; cam, thịt trâu bò gác bếp Hà Giang...

Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại hội chợ đặc sản vùng miền vừa tổ chức

Mặc dù đặc sản vùng miền bầy bán tràn lan trên mạng xã hội nhưng nhiều người tiêu dùng lo lắng liệu sản phẩm có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?

Về vấn đề này Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp tết… Đồng thời lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến.

Thêm cơ hội đưa đặc sản vùng miền tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Thêm cơ hội đưa đặc sản vùng miền tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ