Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đào, Phở và Piano: Tín hiệu tích cực từ phim Nhà nước đặt hàng

Kinhtedothi - Phim “Đào, Phở và Piano” tạo hiệu ứng bất ngờ ở phòng vé là một tín hiệu tích cực đối với dòng phim do Nhà nước đặt hàng. Điều này cho thấy, không phải các bộ phim do Nhà nước đặt hàng không có thị trường và không nhận được sự quan tâm của khán giả.

Mất tiền nhưng không khai thác

Những ngày qua, một trong những hình ảnh ấn tượng tại các rạp chiếu phim là cảnh khán giả xếp hàng dài chờ đợi mua vé xem phim “Đào, Phở và Piano” hoặc chờ vào phòng chiếu. Thậm chí, để được vào xem phim, khán giả chấp nhận mua vé ở những hàng ghế đầu.

Bối cảnh quay phim ''Đào, Phở và Piano". Ảnh: Lại Tấn

Một nghịch lý cho “Đào, Phở và Piano” là trong khi nhu cầu khán giả xem phim rất cao thì số lượng suất chiếu phim và địa điểm chiếu phim vẫn quá ít so với nhu cầu. Những ngày đầu, chỉ có vỏn vẹn 3 suất chiếu mỗi ngày tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong khi “Mai” có số suất chiếu cao hơn gấp 20 lần.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là thiếu kinh phí phổ biến phim. Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết: “Đào, Phở và Piano” được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành, vì thế khi chiếu trên toàn quốc cần có thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, việc các phim nhà nước đặt hàng, mất nhiều công sức để sản xuất xong lại cất đi hoàn toàn do vướng mắc cơ chế. “Tôi cảm thấy kỳ lạ khi có người sản xuất ra một sản phẩm gì đó bằng rất nhiều tiền, công sức mà lại không đem ra khai thác kinh doanh để ít nhất thu hồi vốn đầu tư. Nhưng phim nhà nước chính là như thế” - Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

Theo lý giải của các chuyên gia, hiện thực này tồn tại là vì cơ chế của việc sử dụng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho đơn vị/cá nhân sử dụng nguồn vốn ngân sách đó. Điều rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản nhà nước phải đúng mục đích. “Vấn đề thật sự ở đây là khoản thu. Nếu phim nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu, e rằng phức tạp về thủ tục giấy tờ. Bởi Cục Điện ảnh và Bộ VHTT&DL là cơ quan hành chính nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu” – ông Tuấn cho hay.

Thay đổi hướng tiếp cận

Theo Cục Điện ảnh, việc phát hành "Đào, Phở và Piano" là đang thực hiện đề án thí điểm về phát hành – phổ biến phim Nhà nước đặt hàng. Sau vài tháng sẽ sơ kết, tổng kết lại xem cái được, cái mất, cái hay, cái dở… để từ đó đề xuất các cơ chế. Đây gần như là một cách để thăm dò xem nhu cầu tiếp cận của khán giả đối với phim Nhà nước như thế nào.

Hình ảnh trong phim ''Đào, Phở và Piano''. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành: Riêng hệ thống rạp chiếu tư nhân thì hiện tại mới chỉ có Beta Cinema và Cinestar nhận chiếu hoàn toàn phi lợi nhuận "Đào, Phở và Piano", còn các hệ thống rạp khác thì vẫn chưa có động thái gì. Các hệ thống khác muốn phát hành vẫn phải thực hiện cơ chế chia tỷ lệ phần trăm và kinh phí truyền thông theo cơ chế thị trường chứ không phải nói đôi câu ba điều là họ gật đầu ngay.

Từ thành công ban đầu của “Đào, Phở và Piano” có thể thấy, khán giả không hề quay lưng với phim Nhà nước đặt hàng như nhiều định kiến vốn vẫn tồn tại từ trước tới nay. Đồng thời, đơn vị phát hành tư nhân vẫn sẵn sàng hợp tác với Nhà nước để phát hành và phổ biến các bộ phim có chất lượng. Ngoài ra, việc trục trặc hệ thống đặt vé của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đối với phim "Đào, Phở và Piano" cũng là vấn đề cần xem xét thật kỹ.

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành: “Phải có cơ chế thế nào đó để việc phát hành và phố biến phim đến được với đông đảo khán giả hơn nữa. Nhân đây tôi cũng phải nói thêm rằng, phim Nhà nước đặt hàng vẫn chưa tiếp cận được với khán giả các đô thị lớn; còn ở những nông thôn vùng sâu – vùng xa, biên giới, hải đảo… thì Cục Điện ảnh vẫn gửi những phim Nhà nước đặt hàng này cho 63 tỉnh/thành phố để phổ biến cho nhân dân xem miễn phí. Đấy là sự ưu việt của phim Nhà nước đặt hàng.

Mặt khác, theo Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, từ góc nhìn của hệ thống quản lý nhà nước, muốn phim đặt hàng đến được với công chúng ngoài quy định về số phần trăm suất chiếu cho phim nội địa, các phim nhà nước trước hết phải hay. Muốn có phim hay, quy trình xét duyệt và vận động sáng tác phải khác đi. Các cuộc vận động sáng tác phải mở rộng hơn, có chiều sâu hơn... đồng thời việc xét duyệt phải khắt khe hơn từ khâu kịch bản đến xét duyệt nguồn kinh phí sản xuất và năng lực quản trị dự án.

 

“Đào, Phở và Piano” do Bộ VHTT&DL đặt hàng, kinh phí 20 tỷ đồng. Khởi quay năm ngoái, phim lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi mối tình của anh tự vệ Dân (Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Hà thành Hương (Cao Thùy Linh). Tác phẩm khắc họa một thời bom đạn gian khổ, thiếu thốn, khi con người luôn đối diện cái chết nhưng lạc quan, yêu đời. Điểm sáng trong không khí ác liệt của chiến tranh là tình người, tình yêu đất nước. Dự án đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, hồi tháng 11 năm ngoái.

Những câu thoại đắt giá của phim Mai

Những câu thoại đắt giá của phim Mai

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ