Đầu năm 2022, một số ngân hàng tăng lãi suất, Thống đốc nói phấn đấu giảm lãi suất cho vay
Kinhtedothi - Trong tuần đầu năm 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ.
VPBank mới đây đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn với khung lãi suất huy động vốn trong khoảng 3,2%/năm - 6,3%/năm, áp dụng cho phân khúc khách hàng cá nhân gửi trực tiếp tại quầy, nhận lãi cuối kỳ.
Cụ thể, đối với hạn mức tiền gửi dưới 300 triệu, khung lãi suất triển khai cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng điều chỉnh từ 0,1%/năm đến 0,2%/năm, nằm trong khoảng 3,2%/năm - 5,1%/năm.
Với hạn mức tiền gửi từ 300 triệu - dưới 3 tỷ đồng, lãi suất được điều chỉnh tăng từ 0,05%/năm đến 0,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng từ 0,1 đến 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, với hạn mức từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất tăng từ 0,3%/năm lên đến 0,9%/năm.
Ngoài ra, kênh tiền gửi online tại VPBank cũng điều chỉnh tăng so với tháng trước. Lãi suất được triển khai cho hình thức tiết kiệm online cao hơn từ 0,2 đến 0,5 điểm % so với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy ở tất cả các kỳ hạn gửi.
Một ngân hàng tư nhân khác cũng điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động ngay dịp đầu năm là Sacombank. Theo đó, đối với hình thức gửi tại quầy, biểu lãi suất tăng khoảng 0,2 điểm %. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,1%/năm lên 6,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm hay lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm.
Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,2 - 0,3 điểm % đối với hình thức gửi tiết kiệm online đối với hầu hết kỳ hạn. Trước đó, vào giữa tháng 10, ngân hàng này cũng điều chỉnh khá mạnh lãi suất, tăng khoảng 0,4% - 0,6%/năm tại một số kỳ hạn.
Tại Techcombank, lãi suất đầu tư cập nhật ngày 6/1/2022: Kỳ hạn 3 tháng là 6,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 7,06%/năm, và kì hạn 12 tháng là 8,19%/năm; Lãi suất tại ngân hàng OceanBank cũng tăng tại nhiều kỳ hạn trong tháng 1/2022, áp dụng cho cả hai hình thức gửi tiền tại quầy và thông qua kênh online (sẽ nhận cùng lãi suất trong khoảng 3,6 - 6,6%/năm). Lãi suất huy động của OceanBank dành cho hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng hiện ở mức 6,55%/năm và 6,4%/năm, lần lượt tăng 0,45 điểm % và 0,3 điểm % so với tháng trước. Ngân hàng MSB cũng đang huy động với lãi suất cao nhất là 7%/năm với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua chủ yếu diễn ra ở một số ngân hàng cổ phần, chủ yếu do tính thời vụ cuối năm. Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng đi lên để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
Bên cạnh đó, nhiều công ty chứng khoán cho rằng, năm với áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế, có thể khiến lãi suất đi lên trong năm nay.
Chiều 7/1, tại Quốc hội, phát biểu giải trình làm rõ thêm chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng, các ngân hàng trên thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và xu hướng lãi suất tăng lên. Trong khi nền kinh tế của Việt Nam đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất là vấn đề thực sự khó khăn.
“Tuy nhiên, trong xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lần này Chính phủ cân nhắc đưa ra giải pháp phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 0,5% - 1% lãi suất trong 2 năm”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói. Với một số công cụ khác như dự trữ bắt buộc, NHNN sẽ tiếp thu và điều hành linh hoạt.
Với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều tiết để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có nguồn tín dụng đáp ứng được yêu cầu cho gói này. Theo Thống đốc, trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực cho các nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục những hạn chế của những gói hỗ trợ trước.
Báo cáo thị trường trong tuần cuối cùng của năm 2021 vừa được chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố cho thấy, trong tuần cuối tháng 12/2021, NHNN bơm ròng tổng cộng 10.538 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày, tại mức lãi suất 2,5%) thông qua hoạt động thị trường mở.
Động thái này của NHNN giúp lượng vốn đang lưu hành tăng lên 10.540 tỷ đồng sau gần 10 tháng ở trạng thái đóng băng. Trong khi đó, lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục duy trì ở mức 0. Theo BVSC, động thái bơm ròng qua kênh thị trường mở của NHNN nhờ đó phần nào hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó tác động giúp lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ.
Hà Nội: Dự kiến giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách khoảng 23 tỷ đồng
Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định 1990/QĐ-TTg về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được ký ban hành ngày 26/11/202 của Thủ tướng Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội dự kiến số tiền giảm lãi trong 3 tháng cuối năm 2021 khoảng 23 tỷ đồng.
Cần nghiên cứu lộ trình giảm lãi suất hỗ trợ cho vay mua nhà
Kinhtedothi - Năm 2022 mức lãi suất các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước (NHNN) là 4,8%/năm. Theo đánh giá, mức lãi suất này phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu để xây dựng lộ trình giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Bước vào mùa cao điểm, lãi suất ngân hàng nhích tăng
Kinhtedothi - Trong bối cảnh bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán cuối năm, thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm sút đẩy lãi suất đầu vào đi lên.