Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Để Hà Nội có thành phố ven sông

Cũng như địa danh Hà Bắc (cũ), Hà Nam nằm ở phía Bắc và phía Nam của sông, thì Hà Nội vốn là ở giữa hay ở phía trong các sông.

Hà Nội  có 9 dòng sông lớn nhỏ chảy quanh: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích. Tuy vậy, sông Hồng là cơ bản vì nó chảy dài suốt chiều dài Hà Nội với hai phụ lưu đổ nước vào như sông Đà, sông Lô. Những con sông còn lại lấy nước từ sông Hồng chảy dọc theo hướng Bắc Nam, cuối dòng lại chảy vào sông Hồng. Vì thế nói đến đất và nước Hà Nội thì cũng là kể câu chuyện Hồng Hà và Hà Nội thôi.
 Một góc sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Ảnh: Xuân Chính 
Hồng Hà chảy qua Việt Nam dài 560km, đoạn qua Hà Nội tính từ Tân Phong (huyện Ba Vì) đến Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) thì dài khoảng 150km. Nhìn trên bản đồ thủy hệ Hà Nội mới thấy màu xanh của 9 dòng sông lớn nhỏ như những mạch máu của cơ thể Hà Nội, với động mạch chính ôm quanh bởi sông Đà, sông Hồng, các động mạch phụ là 7 con sông còn lại, ngoài ra còn vô số những kênh dẫn, sông đào, mương tưới tiêu. Chỉ tính tổng chiều dài của 9 con sông là hơn 600km trên diện tích tự nhiên Hà Nội là 3.344km2.
Sông với lịch sử  Hà Nội
Giống như sự sống sinh ra từ nước, hầu hết các đô thị trên hành tinh này có chung nguồn gốc hình thành từ các quần cư sinh sống ven sông. Hà Nội cũng vậy, nó còn gắn bó hơn với sông nước khi tên gọi là Hà Nội - vùng đất sinh ra và nằm trong các dòng sông. Có địa danh lịch sử nào, có sự tích nào của Hà Nội mà thiếu đi bóng dáng của sông hồ Hà Nội. Từ truyền thuyết hoang sơ Sơn Tinh chế ngự Thủy Tinh đến chuyện chứng kiến công nghệ hiện đại, khi  người Pháp xây cầu sắt trên sông Cái, choáng váng trước tiến bộ của kỹ thuật phương Tây, mà các cụ ta đã dứt bỏ những quan niệm cổ hủ, gác sang bên chuyện văn vở viển vông để lao vào cuộc  Duy Tân, làm những việc hữu ích nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hóa dân cường”.
TP ngàn năm bắt đầu từ lúc sông Hồng chào đón thuyền rồng vua Lý Công Uẩn cập bến khi rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tiếp nối huyền tích Hồ Tây, Hồ Gươm kể tới bao giờ cho hết vì chính chuỗi đầm hồ Hà Nội cũng vốn là dấu tích dòng sông Hồng xa xưa.
Từ vùng Phong Châu, nơi đất vua Hùng xưa, bước sang bên này - xuôi theo sông Tích, sông Đáy là cả chuỗi đình chùa men theo dòng chảy mãi về tới trấn Sơn Nam (Hà Nam - Nam Hà): đình Viên Châu, Tây Đằng, Chu Quyến, chùa Mía - đền Và, làng cổ Đường Lâm, đền Hát Môn, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Trầm…
Sông nào cũng vỗ sóng vang vọng về đây chiến công trải từ xa xưa. Hay mới đêm nào sông che chở trung đoàn Thủ đô rút lui an toàn, để lại sau lưng Kinh thành rực lửa, để một ngày kia trở lại, ca khúc khải hoàn trên mặt cầu lộng gió Hồng Hà. Ven dòng Nhuệ Giang, Tô Lịch thì mỗi bến nước, cây đa bên sông cũng kể thành pho sử rồi.
Sông lặng lẽ chảy qua những vùng quê ghi dấu chân của các chiến binh người Chàm men theo sông Đáy, lập nên quê mới trên đất Việt cổ như Dương Liễu, Sơn Đồng (Hoài Đức). Sông âm thầm chảy vào miền sơn thủy hữu tình, làm nên chốn bồng lai có thật, nơi hành hương về đất Phật mỗi độ Xuân về của hàng triệu con dân nước Việt như Hương Sơn – Hương Tích.
Hai bên sông có cả ngàn làng quê – có chàng áo nâu vui bên dòng nước quăng chài buông lưới, có cô thôn nữ váy chùng cửa võng đánh sóng trên nương dâu đất bãi, nền nã tằm tang canh cửi. Nối nhau san sát làng nghề nung gốm, mây tre, chạm khắc, thêu ren, khảm trai, sơn son, thếp vàng, đúc đồng, chuốt bạc… Nơi sinh ra những nghệ nhân tài hoa, tháo vát đến Kẻ Chợ làm rạng rỡ chốn Kinh kỳ. Nơi dung dưỡng bao người chí khí, ngoan cường lại rất mực ý nhị, uyên bác làm nên cả nền Văn hiến sông Hồng – Thăng Long, tiêu biểu cho vùng Bắc bộ.
Hồng Hà – Hà Nội trải ngàn năm và nhiều hơn nữa, mãi hòa quyện chuyện đất và nước, người với cảnh với bao sự đổi thay mà vẫn gắn kết thủy chung.
Từ thành phố sông đến thành phố cầu
Hà Nội có ngàn năm lịch sử, nhưng xây dựng TP theo lối Tây mới hơn 130 năm (1885 - 2016). Người Pháp đã bắc cây cầu Long Biên đầu tiên vượt qua sông Hồng nhưng bên kia sông cũng chỉ là  thị trấn Gia Lâm với nhà ga và nhà máy xe lửa, bởi e ngại sông Hồng lớn lao và dữ dội… Mặc dù những đường phố quân sự và thương mại đầu tiên xây sát mép nước sông Hồng, nhưng trận lụt lớn năm 1926, nước chảy tràn Hồ Tây, ngập trắng bờ phía Bắc, uy hiếp nội thành… Hà Nội nâng cao dần mái đê chống lũ và dần quay lưng lại với sông Hồng, năm 1941 vẽ thêm cầu vượt sông thứ 2 nằm ở cuối phố Trần Hưng Đạo nhưng chỉ dừng tại đó cho đến năm 1954, các phương án quy hoạch Hà Nội vẫn là TP bên sông, lúc gần lúc xa.
Sau khi tiếp quản Hà Nội (10/10/1954), ngành quy hoạch non trẻ Việt Nam được các chuyên gia các nước XHCN hỗ trợ đã phóng tầm mắt sang bên kia sông nhưng không rõ ràng. Quy hoạch Hà Nội đến 2010, do Việt Nam lập năm 1990, khi ấy đã có thêm cầu Thăng Long, Chương Dương nhưng TP bên kia sông vẫn còn mờ nhạt.
Năm 1998, bản Quy hoạch 198 được thực hiện bởi các nhà quy hoạch  trong nước và các chuyên gia Âu Mỹ, Nhật Bản đã định hình Hà Nội mở rộng sang bên kia sông Hồng với 9 cây cầu kết nối. Tuy vậy, phần sông Hồng vẫn để nguyên sơ, chưa chạm tới. Những năm sau, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã nhìn thấy tiềm năng khu đất ven sông, xắn ra từng khúc để lập dự án vài trăm triệu USD, nhưng các nhà quy hoạch Việt Nam vẫn loay hoay vẽ thử 1km bờ sông nhưng rồi cũng bỏ dở.
Bản Quy hoạch 198 phát huy vai trò chủ đạo phát triển Hà Nội mạnh mẽ và nảy sinh những vấn đề mới, Hà Nội đã có bản nghiên cứu đáng giá và phát triển mới do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện (tài liệu HAIDEP-2006). Báo cáo rất công phu được công bố nhưng bị chìm nghỉm trước cuộc trình diễn đồ án “Thành phố bên sông” do các nhà kinh doanh bất động sản Hàn Quốc khởi xướng năm 2007. Khai trương trưng bày dự án với lời khai mạc hấp dẫn: “Sông Hàn (Seoul) hôm nay, Sông Hồng ngày mai”… Tuy vậy, hình ảnh những tòa nhà cao tầng bên sông như những bức tường thành bê tông kính chớp ngăn cách Hà Nội với sông Hồng đã bị các chuyên gia phê phán và dự án chữa đi chữa lại… Bà con cũng  sớm quên nó để cuốn theo cơn lốc (đầu cơ bất động sản) hướng về phía Tây, Hà Nội mở rộng (2008).
Thành phố bên sông: chuyện đất và nước
Hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến thất bại của đại dự án khai thác được trên 1.500ha đất để xây dựng đô thị hai bên sông đầu tư lên tới trên 7  tỷ USD, một  là chỉ nhìn thấy đất mà không tính đến nước. Hai là muốn có đất kinh doanh bất động sản thì phải di chuyển dân đi xa với khối lượng lớn là rất khó đồng thuận. Chuyện di dân GPMB  khó khăn luôn ẩn chứa những rủi ro mà bất cứ nhà đầu tư nghiêm túc nào cũng lảng tránh. Nhưng chuyện đất và nước mới là điều quan tâm.
TP bên sông thì sông phải có nước, vì sông không có nước thì TP nằm cạnh đất bãi trơ đáy, hoặc ít nước thì sông sẽ ô nhiễm rất nhanh. Sông Tô Lịch xưa đầy nước, bao nhiêu cống đổ vào cũng trôi đi hết, vẫn đầy cá và bè rau muống ngon lành, nhưng cạn nước thì 17km sông Tô bốc mùi nồng nặc. Vậy quan trọng là sông Hồng phải có nước, nhưng nguồn của nó thì xa, nhiều năm đoạn qua Hà Nội đã cạn dòng, phụ thuộc rất nhiều vào xả lũ hồ sông Đà, nhưng hồ sông Đà cũng không phải lúc nào cũng sẵn nước (vì sông Đà có nguồn nước cơ bản từ Nam Trung Quốc)
Mấy hôm nay nghe thấy lại sắp có quy hoạch mới sông, hy vọng những nhà quy hoạch trước khi vẽ nhà bên sông thì bỏ công tìm hiểu mạch nguồn nước sông Hồng ở đâu, nếu mà không đủ nước thì phương án trữ nước, điều hòa 2 mùa thế nào? Có phương án cân bằng nước nội nguồn không, nhân thể tính nước đủ nuôi cả vùng đồng bằng Bắc Bộ có 27 triệu dân đang sống trong lưu vực (sản xuất và sinh hoạt). Nếu thiếu nước thì an ninh nguồn nước được bổ sung từ đâu? Ngày nay, các bạn sinh viên kiến trúc năm thứ 4 dùng kỹ xảo đồ họa thì chỉ cần một đêm là đủ vẽ ra nhà cửa vươn cao, sông hồ uốn lượn, mây trắng vờn bay, xe cộ vun vút… Nhưng tính cho ra tổng được lượng nước ổn định hàng chục tỷ mét khối nước luân chuyển hàng ngày cho sông Hồng hôm nay mới là chuyện  đáng lưu tâm.
Trước khi bàn về TP bên sông thì lại là chuyện đất và nước, bởi đất sinh ra từ nước vậy trước tiên làm sao có đủ nước sạch cho sông đã, sông mà sẵn nước sạch thì vẽ nhà bên sông thế nào cũng đẹp. Còn quy hoạch thế nào cho TP mới bên sông làm giàu cho TP cũ, bổ cập những thiếu hụt, khiếm khuyết của TP cũ sẽ xin bàn  sau.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

16/01/2025 | 11:10

Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 01/2025/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 về việc Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Vĩnh Phúc: sẵn sàng cho việc sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng

Vĩnh Phúc: sẵn sàng cho việc sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng

13/01/2025 | 09:51

Kinhtedothi - Năm 2025, bên cạnh việc triển khai thực hiện chương trình sáp nhập (Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng), lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định đơn vị sẽ tiếp tục phát phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ.

Giá thép hôm nay 13/1: tiếp đà tăng

Giá thép hôm nay 13/1: tiếp đà tăng

13/01/2025 | 07:55

Kinhtedothi - Ngày 13/1, thị trường thép trong nước giữ nguyên giá bán; quặng sắt ghi nhận mức giảm hàng tuần do nhu cầu yếu nhưng giới hạn kích thích của Trung Quốc giảm.

Tin tài trợ