Diện mạo mới từ những công trình hạ tầng
Kinhtedothi - Năm 2023, Hà Nội đã khởi công và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án quan trọng góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và làm cho diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô ngày một hiện đại.
Các công trình tạo dấu ấn có thể kể đến như: khánh thành tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu vượt chữ C tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch...
Cụ thể, với công trình cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, từ ngày 30/8/2023, sau gần 3 năm thi công, công trình chính thức được khánh thành song song với cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1. Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 rộng hơn 19m, quy mô 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 2.538 tỷ đồng. Điểm đầu giao đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên). Đây là cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng của Hà Nội.
Cầu Vĩnh Tuy trở thành cây cầu (sau khi hoàn thành giai đoạn 2) có chiều rộng lớn nhất của Hà Nội bắc qua sông Hồng với 8 làn ô tô.
Kết nối với cầu Vĩnh Tuy là tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở cũng chính thức khánh thành đưa vào sử dụng ngày 11/1/2023. Đường trên cao dài hơn 5km, rộng 19m, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân. Toàn tuyến Vành đai 2 có 8 nhánh lên xuống tại đoạn giao với cầu Vĩnh Tuy, phố Đại La, phố Trường Chinh và Ngã Tư Sở.
Cuối tháng 6/2023, cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) cũng chính thức thông xe. Kết cấu cầu vượt bằng kết cấu thép lắp ghép, dạng chữ C theo hướng Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch dài 318m, rộng 9m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 147 tỷ đồng. Cầu chữ C (Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc) là cầu vượt nhẹ thứ 13 được hoàn thành trên địa bàn TP Hà Nội.
Cùng với các dự án giao thông quan trọng được hoàn thành, năm 2023, Hà Nội cũng có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được khởi công xây dựng. Đáng chú ý, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được khởi công ngày 25/6. Dự án có quy mô chiều dài 112,8km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, TP là TP Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, đoạn qua TP Hà Nội dài khoảng 58,2km; tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; tỉnh Bắc Ninh khoảng 25,6km và tuyến nối dài 9,7km. Tổng mức vốn đầu tư 85.813 tỷ đồng.
Năm 2023, Hà Nội cũng triển khai xây dựng dự án Thành phố thông minh với tính chất đặc thù là khu trung tâm tài chính, thương mại mới tại cửa ngõ phía Bắc, có yêu cầu đặc biệt về quy hoạch kiến trúc đô thị để tạo diện mạo phát triển mới cho Thủ đô.
Nằm tại trung tâm của quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, cửa ngõ kết nối thế giới với Việt Nam, dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD trên tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Dự án sẽ áp dụng những tinh hoa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, hướng tới một mô hình TP bền vững nhờ sống xanh và ứng dụng công nghệ hiện đại, nơi người dân sẽ không chỉ là những khách hàng sử dụng dịch vụ mà sẽ chung tay xây dựng một cộng đồng bền vững với tư cách là những chủ nhân của TP.
Giao thông Hà Nội thuận lợi ngày cuối kỳ nghỉ lễ
Kinhtedothi - Ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, nhiều người dân di chuyển về Hà Nội, chuẩn bị quay trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, các lối ra, vào Thủ đô khá thông thoáng, không xảy ra tình trạng ùn tắc.
Xây dựng hệ thống giao thông Hà Nội thông minh, bền vững
Kinhtedothi - Để giải bài toán giao thông cho “siêu đô thị” Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải đang khẩn trương xây dựng Đề án hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh.
Kỳ vọng giao thông Hà Nội sẽ chuyển biến mạnh mẽ
Kinhtedothi - Năm 2023 vừa qua là năm bản lề rất quan trọng đối với công tác quản lý, điều hành giao thông của Hà Nội với hàng loạt biện pháp đã đem lại hiệu quả rõ rệt.