Điều chỉnh Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0
Kinhtedothi - Mới đây, Bộ TT-TT đã điều chỉnh Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0.
Ngày 29/12/2023, Bộ TT-TT đã ban hành quyết định số 2568/QĐ-BTTTT quy định Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số.
Việc ban hành khung kiến trúc mới là nhằm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh.
Đồng thời, hình thành và triển khai áp dụng hệ thống kiến trúc Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số một cách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với một trong các mục tiêu đặt ra là tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khắc trên phạm vi toàn quốc.
Điểm mới của Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 so với phiên bản 2.0 là đã bổ sung Trung tâm Dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong Nghị quyết 175 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt "Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia".
Mới đây, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 đã được Bộ TT-TT sửa đổi, bổ sung một số nội dung thống nhất với thực tiễn triển khai "Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia".
Theo đó, trong sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam, tên gọi "Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia được điều chỉnh thành "Nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Cùng với đó, quy định về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia cũng có sự điều chỉnh, bổ sung vai trò của nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương đặt tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia sẽ thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với nhau thông qua nền tảng chia sẻ điều phối dữ liệu của trung tâm này.
Theo báo cáo của thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trước năm 2020, chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp được vận hành; đến năm 2024, các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm đã hoàn thành, các cơ sở dữ liệu khác cũng đang gấp rút hoàn thiện.
Trước năm 2020, các bộ, ngành, địa phương triển khai cơ sở dữ liệu còn manh mún; đến năm 2024, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã định rõ và ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của mình với gần 3.000 cơ sở dữ liệu.
Về kết nối chia sẻ dữ liệu, năm 2020, tổng số giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 11,5 triệu; đến giữa tháng 7/2024, lũy kế số giao dịch nền tảng này là 2,3 tỷ giao dịch, với 95 đầu mối kết nối của các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc.
Ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0
Kinhtedothi - Khác với 2 phiên bản trước, khung kiến trúc phiên bản mới đã được xây dựng theo hướng tiến hóa hẳn sang Chính phủ số.
Hơn 2,3 tỷ giao dịch thực hiện qua nền tảng chia sẻ dữ liệu quốc gia
Kinhtedothi - Theo thống kê, tổng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP từ đầu năm đến nay đã đạt 533 triệu.
Việt Nam tăng 15 bậc chỉ số Chính phủ điện tử
Kinhtedothi - Theo bảng xếp hạng chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI), Việt Nam tăng 15 bậc so với báo cáo năm 2022 và tiệm cận mục tiêu top 50 vào năm 2025