Diều sáo huyện Đan Phượng sẽ góp mặt tại Ngày hội văn hóa vì hòa bình
Kinhtedothi - Câu lạc bộ diều sáo xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã làm 700 chiếc diều sáo phục vụ Ngày hội văn hóa vì hòa bình, trong đó có 60 diều được mang đến tham gia diễu hành ở không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, số còn lại phục vụ ngày hội của huyện.
Chương trình Ngày hội văn hoá vì hoà bình được TP Hà Nội xác định là dấu ấn đặc biệt trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu thành phố vì hòa bình (16/7/1999 - 16/7/2024) của UNESCO.
Chương trình nhằm biểu dương lực lượng gắn với quảng bá, giới thiệu những nét đẹp, sự giàu có của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, với các màn trình diễn, diễu hành như: trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh; các di sản văn hoá phi vật thể; diễu hành, giới thiệu những di sản văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Thủ đô, di sản diễn xướng dân gian tiêu biểu…
“Ngày hội văn hóa vì hòa bình” có quy mô khoảng 10.000 người tham gia, được tổ chức vào ngày 6/10 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Để chuẩn bị tham gia Ngày hội văn hóa vì hòa bình, thời gian qua, các thành viên Câu lạc bộ diều sáo truyền thống xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã tích cực, tranh thủ ngày đêm hoàn thiện các sản phẩm diều sáo độc đáo.
Theo đó, Câu lạc bộ diều sáo truyền thống xã Hồng Hà đã hoàn thành 700 diều sáo, trong đó có 60 diều tham gia diễu hành ở TP, số còn lại phục vụ cho ngày hội của huyện. Các diều sáo được trang trí với họa tiết là những bức tranh dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ diều sáo truyền thống xã Hồng Hà Nguyễn Văn Quyết cho biết, tham gia diễu hành ở TP, Câu lạc bộ còn làm thêm một diều sáo to đi đầu với kích thước 6,5m.
“Các thành viên trong Câu lạc bộ vô cùng phấn khởi và háo hức được tham gia Ngày hội văn hóa vì hòa bình của TP Hà Nội. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh diều sáo truyền thống của quê hương Hồng Hà đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế” – ông Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.
Theo thống kê, hiện ở Bá Dương Nội có 130 hộ làm diều. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2982/QĐ-UBND công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà là nghề truyền thống.
Trước đó, tháng 2/2024, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết, tới đây xã Hồng Hà sẽ xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm diều trên các nền tảng số, mạng xã hội, kênh thương mại điện tử. Địa phương cũng gắn phát triển nghề diều với nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, hướng tới tạo được nguồn thu kinh tế từ nghề làm diều theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nét văn hóa độc đáo vút bay trên cánh diều Bá Dương Nội
Kinhtedothi - Chiều 23/4 (tức rằm tháng Ba âm lịch), Hội thi thả diều truyền thống làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) năm 2024 đã diễn ra với những màn tranh tài sôi nổi, đặc sắc, thu hút hàng nghìn người dân và du khách tới xem.
Đưa nghề làm diều Bá Dương Nội bay xa
Kinhtedothi – Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng vừa được UBND TP Hà Nội công nhận là nghề truyền thống đã tạo điều kiện cho chính quyền địa phương quy hoạch vùng phát triển sản xuất làng nghề gắn với dịch vụ, du lịch, quảng bá văn hóa địa phương.
Hà Nội tổ chức sơ duyệt chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình"
Kinhtedothi - Ngày 28/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà tham dự và chỉ đạo sơ duyệt chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình".