Friday, 08:01 07/06/2019
Định danh cho taxi công nghệ
Kinhtedothi - Với những động thái mới nhất của Bộ GTVT cũng như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra có thể thấy, bài toán về định danh cho taxi công nghệ sắp có lời giải.
Thêm nhiều quy định mới
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 5/6, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi là quản lý xe hợp đồng điện tử. Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, Bộ GTVT cần sớm đưa ra giải pháp để quản lý taxi công nghệ vốn đang bộc lộ rất nhiều bất cập trong thời gian qua như công tác dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh vận tải bằng ô tô thực hiện quá chậm chạp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT chưa có giải pháp quản lý taxi công nghệ bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống. Việc định danh và quy định nhận diện với taxi công nghệ còn chưa rõ ràng...
Trước những vấn đề các đại biểu đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận việc điều chỉnh Nghị định 86 sửa đổi mất nhiều thời gian khi đã trình Chính phủ tới lần thứ 7 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Bản thân ông cũng như Bộ GTVT cũng rất mong muốn và kỳ vọng bản Nghị định 86 sửa đổi sớm được thông qua và ban hành để có đủ hành lang pháp lý quản lý taxi công nghệ, xe hợp đồng điện tử cũng như để taxi công nghệ và taxi truyền thống cạnh trạnh như nhau. “Cách đây một tuần, chúng tôi báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Hiện chỉ còn một ý kiến giữa Bộ GTVT và Bộ TT&TT, còn các hiệp hội cơ quan gần như đồng thuận cao” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Về vấn đề định danh và nhận diện taxi công nghệ cũng như xe hợp đồng điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, trong Nghị định 86 sửa đổi, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất xe taxi công nghệ bắt buộc phải gắn mào để làm dấu hiệu nhận diện cho các cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết. Bên cạnh đó, trong bản Nghị định 86 sửa đổi còn có thêm quy định xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống có hồ sơ thủ tục như nhau. Quy định này có thể hiểu là tất cả taxi công nghệ muốn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm về lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống. “Taxi truyền thống hãng lớn đều sử dụng công nghệ như Grab nên họ hoạt động song song. Điều kiện hoạt động của taxi công nghệ và taxi truyền thống hiện nay như nhau nên phục vụ thời gian tới sẽ tốt hơn” – Bộ trưởng Bộ GTVT nói.Bài toán khó sắp có lời giảiTrong Báo cáo số 5177/BC-BGTVT ngày 3/6/2019 gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ GTVT đã đưa ra giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý taxi công nghệ, xe hợp đồng điện tử. Bộ GTVT đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử hoạt động như taxi thì quản lý như là xe taxi để đưa vào nội dung quy định tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Bản dự thảo này đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh cho xe taxi, đồng thời cho phép tất cả các loại hình kinh doanh vận tải được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động vận tải. Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định như làm rõ về khái niệm xe kinh doanh vận tải bằng taxi, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng có sử dụng hợp đồng điện tử, bổ sung quy định về gắn hộp đèn để nhận diện phương tiện nhằm tạo sự công bằng, thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông, đảm bảo quyền lợi cho hành khách và người dân. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ sự hoanh nghênh đối với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tạo sân chơi bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Theo ông Thanh, các hãng taxi công nghệ đang hoạt động ở nước ta mà tiêu biểu là Grab về mặt bản chất không phải là xe hợp đồng điện tử dạng kinh tế chia sẻ mà hoạt động như taxi thông thường. Do đó, cần có có cơ chế quản lý như xe taxi thông thường để tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh. “Vấn đề mấu chốt ở đây là ngay từ đầu khi Uber, Grab vào Việt Nam, chúng ta thí điểm nhưng việc định danh loại hình vận tải này chưa thống nhất. Điều này dẫn đến bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh khiến taxi truyền thống thất thế, thua lỗ. Đây là xung đột lợi ích” – ông Thanh nói và cho rằng, việc định danh taxi công nghệ không rõ ràng lúc đầu không chỉ khiến taxi truyền thống bị thua thiệt mà chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó. Tuy nhiên, với việc Bộ GTVT đưa vào bản Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi đề xuất chọn phương án quản lý taxi công nghệ như xe taxi cũng như yêu cầu xe hợp đồng điện tử phải đeo mào, ông Thanh cho rằng đây là bước tiến quan trọng giúp cho bài toán về định danh taxi công nghệ sắp có lời giải.
Ngoài việc định danh thì cũng cần có quy định cụ thể DN taxi công nghệ phải áp dụng phần mềm xử lý rủi ro cho khách hàng cũng như lái xe.Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh |