Đồ trang trí Tết "Made in Việt Nam" hút khách, đánh bật hàng ngoại
Kinhtedothi- Còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Thời điểm này là lúc thị trường đồ trang trí bước vào giai đoạn cao điểm tiêu thụ. Năm nay, các mặt hàng đồ trang trí Tết "Made in Việt Nam" được ưa chuộng hơn hàng nhập khẩu.
Hàng thủ công "made in Việt Nam" được ưa chuộng
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại một số tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng trang trí như: Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược… cho thấy, sản phẩm trang trí Tết năm nay được các cơ sở sản xuất trong nước đầu tư cải tiến mẫu mã, mang đến sự mới lạ cho thị trường. Nhiều sản phẩm mới như câu đối Tết viết trên giấy đỏ dán lên những thanh tre, hoặc mâm tre được sơn đỏ, vẽ các chú bé múa lân ngộ nghĩnh với những câu chúc như "Vạn sự như ý," "Phúc Lộc Thọ" tạo điểm nhấn chụp ảnh gia đình được khách hàng chọn mua nhiều nhất.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ kinh doanh đồ trang trí trên phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) chia sẻ, những Tết Nguyên đán gần đây khách hàng khi mua đồ trang trí Tết thường ưa chuộng những mặt hàng thủ công do các làng nghề sản xuất nên cửa hàng nhập rất nhiều những mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu của khách.
Chị Lê Minh Thu kinh doanh đồ trang trí Tết trên phố Lương Văn Can cho biết, xu hướng trang trí Tết năm nay thiên về nét truyền thống cổ truyền bằng những sản phẩm đơn giản, mộc mạc, gợi nhớ Tết xưa bình dị nhưng ấm cúng như câu đối, đèn lồng đỏ, vật phẩm phong thủy hình con rắn tượng trưng cho năm Ất Tỵ.
“Những sản phẩm truyền thống của Việt Nam làm bằng chất liệu tre, nứa, giấy… an toàn và thân thiện với môi trường, giá cả phải chăng và có độ bền hơn hàng Trung Quốc được nhiều người chọn mua”- chi Thu thông tin.
Thực tế cho thấy, mặc dù có sự đầu tư vào việc cải tiến mẫu mã nhưng giá bán tương đương năm trước, không xảy ra hiện tượng tăng giá. Hiện, câu đối có giá từ 80.000- – 150.000 đồng/sản phẩm; đèn lồng từ 200.000- 500.000 đồng/sản phẩm; quạt trang trí do làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất) sản xuất, tùy thuộc vào kích thước giá dao động từ 150.000- 800.000 đồng/sản phẩm. Một số mẫu được có sức tiêu thụ cao như dây trang trí nhỏ có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/dây, các đồng tiền vàng tùy kích cỡ có giá bán từ 120.000 - 500.000 đồng/sản phẩm... Giá bán cho thấy thị trường không chỉ tập trung vào chất lượng mà còn vào chiến lược giá để tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng.
Bên cạnh các đồ trang trí nhà cửa, hoa giả cũng là mặt hàng được nhiều người dân tìm mua về trang trí phòng khách trong những ngày Tết. Thông tin từ những hộ kinh doanh mặt hàng này cho thấy, để thu hút khách hàng, các cơ sở sản xuất hoa giả đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất qua đó đưa ra thị trường nhiều sản phẩm tinh xảo hơn năm trước nhưng giá bán không tăng. Những bông lan hay hoa hồng, mai, đào… vô cùng sống động, được bán với giá từ 20.000 - 500.000 đồng/cành.
Đẩy mạnh bán hàng online
Thực tế cho thấy, để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm bên cạnh việc mua bán trực tiếp theo phương thức truyền thống, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đã đẩy mạnh bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội như Tiktok Shop, Zalo, Facebook.
Chị Nguyễn Thu Hoài (ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng - Đống Đa) chia sẻ, cuối năm công việc bận bận rộn nên không có nhiều thời gian đi mua sắm trực tiếp, nên chọn mua đồ trang trí thông qua sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội.
Nhìn nhận lợi ích mà người tiêu dùng được thụ hưởng khi mua sắm thông qua thương mại điện tử, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Trần Thị Phương Lan nêu rõ, việc mua sắm thông qua hình thức thương mại điện tử giúp người tiêu dùng tham khảo được giá cả, qua đó cân đối kế hoạch chi tiêu, đồng thời tận dụng được các chương trình giảm giá, khuyến mại sâu mà các sản thương mại điện tử triển khai.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, các sàn thương mại điện từ như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop cũng triển khai đồng loạt nhiều khuyến mãi như “Flash Sale” (giảm giá chớp nhoáng), “Mua 1 tặng 1”, giảm giá lên tới 70%. Ngoài các đợt siêu giảm giá ngày lễ, mã khuyến mãi cho từng ngành hàng, hoạt động livestream diễn ra liên tục…
Ngoài ra, các sàn này cũng đưa ra những ưu đãi với tính năng cụ thể như: Giá cước vận chuyển 0 đồng, đổi hàng trong 5 - 7 ngày, hủy đơn hàng dễ dàng, quét mã QR nhận thưởng, săn hàng đồng giá, kiểm tra hàng trước khi nhận, tư vấn, tương tác với khách hàng, đóng gói sản phẩm kỹ lưỡng…
Báo cáo "Hành vi mua sắm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên Shopee và TikTok Shop" của Metric – nền tảng phân tích số liệu thị trường thương mại điện tử dựa trên Dữ liệu lớn (Big Data) về thị trường Tết Ất Tỵ cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua các mặt hàng đồ trang trí nhiều nhất vào thời điểm 2-3 tuần trước Tết".
Riêng về doanh thu thông qua mua sắm đồ tiêu dùng phục vụ Tết Ất Tỵ trên sàn thương mại điện tử có thể đạt doanh số 71.000 tỷ đồng với 792 triệu sản phẩm được tiêu thụ nhóm sản phẩm bộ quà tặng dịp tết thường được người tiêu dùng lựa chọn trong khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Riêng với mặt hàng đồ trang trí Tết sẽ đạt doanh số tăng 10-15% so với năm 2024.
Báo cáo của Metric trên nền tảng phân tích số liệu của các sàn thương mại điện tử cũng phản ánh tốc độ tăng trưởng nhanh chóng mặt của thị trường đồ trang trí Tết trên kênh bán hàng online trong những năm gần đây. Cụ thể thị trường đồ trang trí Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 đã đạt 64,7 tỉ đồng doanh thu với khoảng 2,7 triệu sản phẩm được bán ra. Trược đó Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có 3.199 số shop phát sinh đơn hàng trên sàn thương mại điện với 1,6 triệu sản phẩm được giao thành công mang về tổng doanh thu 41,5 tỉ đồng. Đặc biệt các sản phẩm trang trí Tết như đèn lồng, cây đào đông đỏ, decal trang trí và dải treo thần tài “Made in Việt Nam” là những từ khóa nổi bật được tìm kiếm nhiều trên các sàn thương mại điện tử.
Cuộc đua bán hàng Tết 2025: "Đừng xây nhà trên đất người khác"!
Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, miễn phí vận chuyển là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu mua sắm Tết 2025 của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển của thương mại điện tử, bán hàng qua livetream cũng đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro nhất định khi “xây nhà trên đất của người khác”.
Hà Nội dự trữ hàng Tết “khủng” không để thiếu hàng tăng giá đột biến
Kinhtedothi - Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Vì vậy, ngành công thương Hà Nội và các doanh nghiệp tăng cường dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung không để xẩy ra tình trạng thiếu hàng “sốt” giá.
Siêu thị Hà Nội giảm giá đến 50% cho hàng nghìn mặt hàng Tết
Kinhtedothi-Thực hiện chương trình kích cầu cuối năm, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá quy mô lớn cho hàng nghìn sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.