Đỗ trọng bổ thận, cường gân cốt
Kinhtedothi - Đỗ trọng (Eucomia ulmoides Oliv. thuộc họ Đỗ trọng (Eucommiaceae) vị thuốc này được ghi đầu tiên ở sách Bản kinh. Còn có tên là Mộc miên vì trong vỏ có chất sợi tơ bạc.
Đỗ trọng là thân cây gỗ, cao từ 15 - 20m, đường kính độ 33 - 50cm. Vỏ cây màu xám. Lá mọc cách, hình tròn trứng, phía cuống hình bầu dục hay hình thùy, đuôi lá nhọn, lá xanh có răng cưa; mặt lá nhẵn bóng, màu xanh đậm, bóng láng, mặt trái lá non có lông tơ, lúc già thì nhẵn bóng không còn lông, có vân vằn, cuống lá có rãnh, không có lá bắc.
Hoa đơn tính khác gốc; hoa đực và hoa cái không có bao hoa; hoa đực mọc thành chùm; hoa cái tụ tập 5 - 10 cái ở nách lá. Quả có cánh mỏng dẹt, ở giữa hơi lồi, trong có một hạt. Hạt dẹt, hai đầu tròn, có thể dùng làm giống. Bộ phận được dùng là thuốc là vỏ cây đỗ trọng, dùng tùy theo chủ đích mà có cách chế biến khác nhau. Liều dùng 5 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Đỗ trọng là vị thuốc được dùng từ lâu đời. Bản thảo cương mục của Danh y Lý Thời Trân (thời nhà Minh, Trung Quốc) có chép: “Bàng Nguyên Anh kể lại: xưa có người thiếu niên mới lấy vợ bị bệnh yếu chân không đi được, uống các thuốc không khỏi, sau đó lương y Tô Lãm bắt mạch đoán rằng bệnh đó do thận hư, cho uống Đỗ trọng 10 ngày là khỏi”.
Sách Bản kinh nói về công dụng của Đỗ trọng: “Chủ yếu tích thống, bổ trung, ích tinh khí, kiện gân cốt, cường chí, trị âm nang ngứa chảy nước, tiểu gắt.
Kết quả nghiên cứu dược lý học hiện đại cho thấy, đỗ trọng có tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol trong huyết thanh, làm giãn mạch, tăng lưu lượng máu trong động mạch vành tim; làm hưng phấn hệ thống tuyến vỏ thượng thận - tuyến yên, ức chế cơn co tử cung, lợi niệu, trấn tĩnh, cải thiện khả năng sinh hoạt tình dục.
Những bài thuốc bổ thận, cường dương tư âm, bổ dương, tăng cường tinh khí, nâng đỡ thể trạng chứ không chỉ có tác dụng kích hứng nhất thời làm cương cử dương vật. Các vị thuốc này phối hợp với nhau để quân bình âm - dương cho cơ thể. Bài thuốc phải đạt mục đích chủ bổ các tạng: Thận, Tâm, Can.
Thận chủ về thủy, tức là tinh khí. Thận khỏe thì tinh khí đặc, chứa nhiều tinh trùng nên dễ thụ thai. Tâm chủ về huyết hỏa hay năng lượng. Tâm tốt thì trí não quân bình, năng lực phương cương, sức lực bền dai, tinh trùng mới đủ sức bơi ngược dòng tử cung để thụ thai. Can thuộc hành mộc chủ về cân tức là gân. Cân khỏe thì gân mới đủ sức cương cử mà hành sự.
Dương vật là một loại gân chủ yếu của cơ thể, gọi là “tông cân chi hội”, nên khi can khí không đến thì dương vật không cương được.
Như trên đã nói, đỗ trọng bổ Can, Thận, đồng thời có ích cho Tâm, tức một vị thuốc hội đủ ba yếu tố (tam bổ) cho người vô sinh - hiếm muộn.
Tuy nhiên, để Đỗ trọng làm nhiệm vụ chủ yếu bổ Thận, bên cạnh bổ Can và ích Tâm, người ta sao chế vị thuốc này với muối (muối và đỗ trọng lượng thích hợp, thường 50g muối hòa với nước cho 1kg đỗ trọng, sao cho đến khi đỗ trọng đứt tơ). Qua kinh nhiệm chữa bệnh lâu năm, chúng tôi dùng Đỗ trọng trong một số bài thuốc chữa vô sinh- hiếm muộn.
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu bài thuốc cổ phương Bát vị hoàn gồm: Thục địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đơn bì, Trạch tả, Bạch linh, Nhục quế, Phụ tử gia Đỗ trọng và Nhục thung dung. Trong đó, Nhục thục dung là vị thuốc có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng.
Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu... Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú, có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục, có khả năng kích thích và điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận.
Còn Đỗ trọng thì tác dụng của nó đã nói ở trên. Hai vị thuốc được thêm vào sẽ làm tăng tác dụng bổ thận, sinh tinh, cường dương…
Loại lá rất sẵn ở Việt Nam, đem phơi khô lại thành dược liệu quý
Ổi là loại cây ăn quả rất phổ biến ở Việt Nam, thường chỉ được trồng lấy quả. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng lá ổi khi phơi khô cũng đem lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe. Đây là dược liệu quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc.
Hà Nội: khai thác tiềm năng từ cây dược liệu
Kinhtedothi - Là địa phương có nguồn gen rất phong phú nhưng việc phát triển kinh tế từ cây dược liệu tại Hà Nội hiện vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi cần có quy hoạch đầu tư bài bản, căn cơ.
Hà Nội: kiểm soát chặt chẽ chất lượng thuốc, dược liệu lưu hành trên thị trường
Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.