Độc đáo ngôi chùa cổ trăm tuổi nổi tiếng bên dòng Bình Thủy
Kinhtedothi - Chùa Nam Nhã không chỉ thu hút du khách thập phương bởi nét kiến trúc cổ độc đáo, không khí trong lành, cảnh quan yên bình, mà nơi đây còn có lịch sử hào hùng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta.
Chùa Nam Nhã hay Nam Nhã đường, tên đầy đủ là Nam Nhã Phật đường, tọa lạc tại số 612 đường Cách mạng Tháng 8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Chùa được xây dựng vào năm 1895 và là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất tại địa phương.
Những buổi chiều cuối năm, nơi đây thường có đông giới trẻ tìm đến chụp ảnh. Các bạn trẻ khi đến chùa đều tự giác ý thức trang phục và giữ gìn sự trang nghiêm, yên tĩnh của chùa.
Em Phạm Minh Thư (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) chia sẻ: Em được bạn bè giới thiệu Chùa Nam Nhã có kiến trúc cổ độc đáo nên em đã đến đây thực hiện bộ ảnh áo dài đón Tết. Đến chùa, em bất ngờ với vẻ đẹp nơi đây và thu hút đông du khách như vậy.
Chùa Nam Nhã có lối kiến trúc cổ kính, trang nhã, xung quanh là một khu vườn lớn trải dài ra sông Bình Thủy. Mặt tiền ngôi nhà nổi bật với hàng cột được đắp nổi phù điêu, sơn màu xanh, trắng, vàng tươi sáng. Hành lang ngôi nhà có những ô vòm, phù điêu độc đáo dường như không trùng lặp với bất kỳ công trình lớn nào khác.
Chính điện chùa Nam Nhã là ngôi nhà cổ 5 gian với kiến trúc Đông Dương, không bề thế nhưng rất nổi bật. Mái nhà lợp ngói âm dương, trên nóc đắp phù điêu lưỡng long tranh châu.
Bên trong chánh điện, ở khu trung tâm được bày trí rất trang nghiêm là nơi đặt bàn thờ Tam giáo thể hiện tôn chỉ Tam giáo đồng nguyên. Tam giáo bao gồm Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Tam giáo đồng nguyên là ba nền tôn giáo đều do cùng một gốc mà ra.
Theo Ban trị sự chùa Nam Nhã, nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ theo đạo Minh Sư, mà còn là cơ sở hoạt động cách mạng của các phong trào yêu nước ở Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sau những đóng góp cho đất nước, năm 1991, chùa Nam Nhã được công nhận là Di tích Lịch sử Cách mạng quốc gia.
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ gần 100 mộc bản với tuổi đời 1 thế kỷ, quả là “báu vật” hiếm hoi không chỉ của Cần Thơ mà cả miền Tây Nam bộ. Mộc bản là những mảnh gỗ (thường là gỗ thị, nha đồng, mít, cẩm lai…) được nghệ nhân khắc chữ nổi, ngược lên bề mặt. Khi cần in, người dùng quét mực lên bề mặt mộc bản rồi dùng giấy ịn lên và cán sát, đều. Vậy là tờ giấy hiển thị nội dung của mộc bản.
Về Sóc Trăng, chiêm ngưỡng ngôi chùa nguy nga với đầy ánh vàng
Kinhtedothi - Chùa Tà Mơn hay còn gọi là Serey Tamon gây ấn tượng bởi vẻ đẹp nguy nga, đồ sộ với những gam màu sắc nổi bật, hoa văn ánh vàng tiêu biểu cho lối kiến trúc Khmer truyền thống.
Chùa Bà Châu Đốc ken kín người đi lễ đầu năm
Kinhtedothi – Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, chùa Bà Chúa Xứ, Châu Đốc (An Giang) thu hút hàng trăm ngàn lượt người từ các tỉnh, thành miền Tây, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… về thắp hương cầu tài lộc đầu năm mới.
Độc đáo những tác phẩm điêu khắc trên gỗ tại Chùa Hang tỉnh Trà Vinh
Kinhtedothi - Chùa Hang nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc trên gỗ. Từ những gốc cổ thụ xù xì, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã thành những tác phẩm nghệ thuật.