Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đội nắng thu hoạch lúa

Kinhtedothi - Thời điểm này, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đang tập trung thu hoạch lúa Xuân.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho công việc đồng áng của bà con thêm phần vất vả.
Ra đồng gặt lúa từ sáng sớm
Mới hơn 7 giờ sáng, nhưng gia đình bà Đặng Thị Phương, ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã cắt xong quá nửa thửa lúa hơn 2 sào ở xứ đồng Lò Ngói. Vừa luôn tay cắt những lượm lúa trĩu hạt, bà Phương chia sẻ: “Để đỡ mất sức lao động, gia đình phải ra đồng gặt từ 5 giờ đến khoảng 9 giờ sáng nghỉ, chứ nắng nóng thế này mà ra đồng muộn thì vừa mệt vừa làm không năng suất”. Cách đó không xa, hộ ông Lương Văn Hùng cùng xã cũng huy động 4 nhân lực trong gia đình ra đồng cắt lúa. Ông Hùng cho hay: “Nắng nóng quá khiến cho việc thu hoạch thêm phần vất vả”. Và có lẽ công việc nặng nhọc nhất vẫn là vận chuyển lúa từ dưới ruộng lên bờ để chờ máy phụt. Đó là chưa kể có những đám ruộng sâu, nằm giữa cánh đồng, nông dân phải thuê cả máy tời để kéo lúa ra tới đường chính.

Nông dân Mỹ Đức thu hoạch lúa.  Ảnh:  Ánh Ngọc

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ những đám ruộng có diện tích nhỏ, quá trũng máy gặt không xuống được thì nông dân mới phải cắt lúa thủ công, còn lại đa phần các hộ đều thuê máy gặt đập liên hợp. Dù vậy, để tránh cái nắng như đổ lửa, nhiều hộ gia đình cũng phải dậy từ 4 - 5 giờ gọi máy để gặt xong sớm rồi cấp tập chuyển lúa về nhà. Chẳng vậy mà mới nửa buổi sáng, không ít hộ đã có lúa về nhà tãi đầy sân phơi. Cái nắng làm người nông dân vất vả nhưng bù lại làm cho lúa mau khô hơn, bởi như mọi khi, lúa phải phơi 2 nắng mới được mẻ thì với thời tiết như mấy ngày hôm nay chỉ 1 nắng là thóc khô coong. Nắng nóng gay gắt, thu hoạch lúa vất vả là vậy nhưng theo phản ánh của nhiều nông dân thì vụ này lúa được mùa nên họ rất phấn khởi.
Chiều 3/6, dù nhiệt độ được dự báo ngoài trời tới hơn 40 độ C nhưng trên nhiều cánh đồng của xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, những chiếc máy gặt luôn hoạt động hết công suất để phục vụ nhà nông. Anh Chu Văn Tráng – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghệp Minh Đức cho biết: “Tính từ đầu vụ tới giờ, HTX đã giúp bà con gặt được trên 200 mẫu lúa, ngày ít thì gặt được 1 - 2 mẫu, ngày nhiều tới 2ha. Công việc mệt nhọc nhưng cho thu nhập khá, lại tranh thủ gặt được thêm diện tích lúa ở xã lân cận nên chúng tôi thay phiên nhau làm việc ngày đêm quên nghỉ”.
Bớt nhọc nhằn nhờ cơ giới hóa
Nếu như nhiều năm trước, mỗi khi vào mùa gặt, nông dân phải huy động toàn bộ nhân lực trong gia đình và thuê thêm nhân công để tập trung thu hoạch lúa, thì nay những chiếc máy gặt đập liên hoàn hiện đại đã thay thế sức người. Nông dân chỉ việc đứng trên bờ chờ máy gặt xong rồi chở lúa đã đóng gọn thành bao về nhà. Bên cạnh đó, để giúp nông dân vơi đi nỗi nhọc nhằn, nhiều chủ máy gặt đập còn đảm nhận thêm khâu vận chuyển về tận nhà với giá thành hợp lý. Chị Dư Thị Lan - chủ của 2 chiếc máy gặt đập ở xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa cho biết: “Cùng với gặt máy tại ruộng, vụ này, gia đình chị còn kiêm thêm công đoạn chở lúa về nhà cho bà con với giá dịch vụ trọn gói 180.000 đồng/sào”. Chị Lan cho biết thêm, nhờ nhanh nhạy trong cải tiến của khoa học kỹ thuật mà động cơ máy gặt ngày càng đáp ứng với điều kiện thực tế sản xuất. Đó là, giảm đáng kể lượng lúa rơi vãi khi thu hoạch và dần khắc phục được những diện tích ruộng lầy. Theo tính toán của nhiều nông dân, để thu hoạch 1 sào lúa, trung bình 1 lao động phải mất từ 8 - 9 tiếng để cắt, vận chuyển, tuốt lúa. Còn nếu thuê nhân công thì gặt 1 sào lúa cũng phải chi ít nhất 250.000 đồng và cộng thêm 30.000 – 40.000 đồng tiền thuê máy phụt lúa. Như vậy, nếu thuê máy gặt đập liên hợp với giá dịch vụ 120.000 – 140.000 đồng/sào, nông dân đã tiết kiệm được 50% chi phí. Đó là chưa kể, gặt bằng máy sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, tránh được ảnh hưởng nếu mưa bão cuối vụ xảy ra.
Đáng nói, nhận thức của người nông dân về áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, nhất là sử dụng máy gặt đập đã được nâng lên rõ rệt, diện tích lúa áp dụng cũng tăng dần qua các năm.  Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho rằng, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất lúa mà những năm gần đây, huyện luôn đảm bảo được 100% diện tích gieo cấy lúa theo kế hoạch. Đối với các xã có số lượng lớn lao động trẻ đi làm việc tại các khu công nghiệp như Đông Lỗ, Đại Cường, Kim Đường, Đại Hùng thì việc áp dụng máy gặt đập liên hoàn vào thu hoạch lúa có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, cơ giới hóa đã giúp nông dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, công lao động, kịp thời giải phóng đất để sản xuất kịp thời vụ. Do đó, trong 3 năm (2014 – 2016), huyện đã khuyến khích nông dân, HTX mua máy gặt đập với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/máy, đến nay, toàn huyện đã có 45 hộ được hỗ trợ với tổng số tiền 675 triệu đồng.
Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến hết ngày 4/6, toàn TP đã thu hoạch được gần 80% diện tích lúa Xuân (tương đương hơn 70.000ha). Trong đó, nhiều địa phương đã cơ bản thu hoạch xong như Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phúc Thọ…  

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

12/01/2025 | 15:51

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng giá trị cao và bền vững.

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

11/01/2025 | 10:21

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn của địa phương này ngày một đổi thay tích cực.

Tin tài trợ