Monday, 07:01 22/10/2018
Đòn tưởng nhằm Nga, hóa không phải
Kinhtedothi - Từ khi lên cầm quyền ở Mỹ đến nay, Tổng thống Donald Trump đã kiên định thực hiện cam kết tranh cử là rút nước Mỹ ra khỏi những thỏa thuận đa phương, thể chế và tổ chức quốc tế.
Thế giới không còn ngạc nhiên nữa khi ông Trump công bố quyết định cài số lùi như thế cho nước Mỹ. Ở quyết định mới đây nhất của ông Trump về rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô trước đây đã ký kết năm 1987.
Nội dung của INF là cấm sở hữu và chế tạo các loại tên lửa hạt nhân tầm trung với tầm bắn từ 500 đến 5.500km. Ông Trump đưa ra lý do là Nga không tuân thủ INF thì Mỹ không còn cần phải tuân thủ, Nga chế tạo thế hệ tên lửa hạt nhân tầm trung mới thì Mỹ cũng thế. Ông Trump cáo buộc Nga vi phạm INF từ nhiều năm nay và viện dẫn làm bằng chứng là người tiền nhiệm, ông Barack Obama đã cáo buộc Nga như thế nhưng không hành động gì cả.
INF là một hiệp ước về kiểm soát vũ khí hạt nhân và là thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Liên Xô nhưng lại có tác động tới toàn thế giới. Thỏa thuận được ký kết ở thời chiến tranh lạnh và xung đột Đông - Tây. Nó cấm hai nước có thêm tên lửa hạt nhân tầm trung nhưng không động chạm gì đến tác động răn đe của vũ khí hạt nhân. Chiến lược răn đe lẫn nhau bằng vũ khí hạt nhân của hai bên vì thế không bị ảnh hưởng gì. Việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi INF tạo cảm nhận là cú đòn nhằm vào Nga, nhưng trong thực chất lại không phải như vậy. Vì những lý do sau đây.
Thứ nhất, răn đe hạt nhân thời nay không còn tác dụng như xưa. Mỹ, thậm chí cả các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Nga hiện tại không còn là kẻ thù không đội trời chung như thủa xưa. Mối quan hệ giữa hai bên có căng thẳng và trắc trở đến mấy thì cũng không đưa đến đụng độ quân sự trực tiếp, càng không thể xảy ra chiến tranh giữa hai bên. Cái gọi là "Mối đe dọa an ninh từ Nga" là con bài được một vài đồng minh của Mỹ triệt để tận dụng để cầu vọng mối quan hệ đặc biệt với Mỹ. Tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga và Mỹ đâu có nhằm trực diện vào nhau.
Ông Trump rút nước Mỹ khỏi INF không phải vì Nga có thêm tên lửa hạt nhân tầm trung như phía Mỹ quả quyết mà vì Mỹ cho rằng Nga vi phạm INF thì Mỹ tội gì mà phải tiếp tục tuân thủ INF hoặc nếu ông Trump muốn rút nước Mỹ ra khỏi INF thì không thể không với lý do cáo buộc Nga không tuân thủ INF. Vấn đề chính ở đây không phải vì ông Trump cho rằng Nga không tuân thủ INF nên đe dọa an ninh của Mỹ mà vì người này muốn có một thỏa thuận mới và khác. Cách hành xử này của ông Trump theo đúng mô thức ứng xử với quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA).
Thứ hai, INF là chuyện song phương giữa Mỹ và Nga. Nếu giờ muốn nhằm cả vào kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc nữa thì ông Trump không thể không hủy bỏ INF. Giống hệt như ông Trump lật ngược JCPOA để không chỉ đàm phán lại về vấn đề hạt nhân của Iran mà còn cả về chương trình tên lửa của Iran. Ông Trump dùng quyết định rút nước Mỹ ra khỏi INF để lấy cớ chơi lại từ đầu ván bài tên lửa và vũ khí hạt nhân vừa với Nga lại vừa với cả Trung Quốc, mở một chiến trường mới nhằm vào Trung Quốc.
Thứ ba, ông Trump dùng tác động của việc làm găng với Nga và nhằm cả vào Trung Quốc để cảnh báo và răn đe các nước khác sở hữu hoặc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt Iran và Triều Tiên. Thông điệp của ông Trump qua đấy là Mỹ không nhượng bộ trong vấn đề hạt nhân, cả về chạy đua vũ trang hạt nhân hay giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga và Trung Quốc lẫn ngăn ngừa các nước khác tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân như Iran hay Triều Tiên.
Thứ tư, ông Trump muốn có và cần có bằng chứng mới để thể hiện ở nước Mỹ là tổng thống "cầm quyền tốt hơn và vì lợi ích nước Mỹ triệt để hơn" những người tiền nhiệm phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới. Trước INF, ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Liên đoàn bưu chính thế giới (IPU) mà nước Mỹ than gia từ 144 năm nay. Rút nước Mỹ ra khỏi các thỏa thuận, thể chế và tổ chức đa phương được ông Trump sử dụng theo cách dân túy riêng làm sự biểu hiện và kết quả của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Thứ năm, ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi INF trong nhận thức và sự chắc chắn là mối quan hệ với Nga trên danh nghĩa tưởng như xấu thêm đi nhưng trong thực chất không bị ảnh hưởng đáng kể gì. Chỉ cần nhìn vào việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đi Nga đúng vào thời điểm này và việc hai bên vẫn tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ thấy ngay thực trạng đó. Hơn nữa, ông Trump có thể nhanh chóng và dễ dàng thay đổi quan điểm và quyết định. INF bị hủy bỏ có thể kích hoạt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, nhưng đâu có làm rung chuyển và rúng động được cả thế giới.