Tuesday, 17:27 17/11/2020
Dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng
Kinhtedothi - Bổ sung 2 nút giao và rà soát chi phí giải phóng mặt bằng đã đẩy tổng mức đầu tư cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài tăng gần 3.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 14/10/2019, dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao UBND TP Hồ Chí Minh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp triển khai.
Ngày 26/10/2019, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị ký kết kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Theo đó, mỗi bên cam kết đền bù, giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, bảo đảm đến năm 2025 sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường này, góp phần giảm áp lực vận tải cho Quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội 2 địa phương và khu vực.
Trong điều kiện nguồn vốn của trung ương đang khó khăn, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh cam kết sẽ sử dụng ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng trên địa phận mình quản lý, nhanh chóng giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, con số này được TP Hồ Chí Minh báo cáo hơn 13.600 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng.
Theo đó, tổng mức đầu tư tuyến cao tốc tăng do bổ sung nút giao cao tốc với đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn) và nút giao cao tốc với tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi). Ngoài ra chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan dự án sau khi rà soát cũng tăng thêm so với trước.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài có tổng chiều dài 53,5 km, điểm đầu là nút giao thông đường vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), đi song song với Quốc lộ 22. Điểm cuối cách Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài 2 km về hướng phía Bắc. Theo thiết kế hoàn chỉnh, tuyến cao tốc đoạn TP có 8 làn xe, đoạn qua tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe.
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài kết nối với các tuyến vành đai 3, vành đai 4, có vai trò tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh Bavet (Campuchia), có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực Tây Nam Bộ.
Cao tốc dự kiến làm trong 5 năm và đưa vào khai thác năm 2025. Thời gian thu phí hoàn vốn (không bao gồm phần vốn nhà nước hỗ trợ dự án) dự kiến 23 năm 8 tháng.