Dự án mở rộng Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long: Ưu tiên dịch chuyển, bảo vệ cây xanh
Kinhtedothi - Xung quanh thông tin dịch chuyển 1.315 cây xanh để phục vụ thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, chiều 6/6, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, ưu tiên hàng đầu là giữ nguyên hoặc đánh chuyển để sử dụng vào mục đích khác, trừ trường hợp bất khả kháng.
Mới chỉ là đề xuất
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, vừa qua, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội - chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, đã có đề xuất được di chuyển 1.315 cây xanh để giải phóng mặt bằng (GPMB), phục vụ thi công dự án. “Tôi khẳng định đây mới chỉ là phương án theo đề xuất của chủ đầu tư và đơn vị thi công. TP chưa chấp thuận phương án này mà đang tiếp tục xem xét, thẩm định” - ông Dục cho hay.Hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Thanh Hải |
Lý giải về đề xuất nêu trên, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT Phạm Thanh Bình cho biết, đoạn tuyến Vành đai 3 đang thi công bao gồm 2 hợp phần: Cầu cạn trên cao và đường dưới thấp; việc dịch chuyển cây xanh là để phục vụ thi công hợp phần trên cao. Cụ thể, đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được nâng cấp, mở rộng thành đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ, bao gồm 4 làn xe cơ giới đường chính, 6 làn xe hỗn hợp và thô sơ. Ở tim tuyến đường được xây dựng cầu cạn trên cao có mặt cắt ngang 24m, nếu tính cả vòng xoay và đường lên xuống thì mặt cắt ngang sẽ rộng từ 27 - 38m; chiều cao cầu so với mặt đường từ 9,2m - 12,2m, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cây xanh. Năm 2013, Ban QLDA Thăng Long đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có vấn đề dịch chuyển, thay thế cây xanh, trình các bộ, ngành hữu quan xem xét và được phê duyệt. Việc này đã được Tổng Công ty Tư vấn giao thông vận tải (TEDI) - Bộ GTVT xây dựng tiêu chí và phương án GPMB phục vụ thi công. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thông tin thêm, TEDI đã thiết lập hồ sơ cho từng cây, cơ quan chức năng TP cũng sẽ khảo sát chi tiết từng cây một rồi mới tính đến phương án xử lý.
Cân nhắc kỹ phương án với từng câyÔng Lê Văn Dục chia sẻ: “Quan điểm nhất quán của lãnh đạo TP trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng là tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước. Trong trường hợp bắt buộc phải dịch chuyển, giải toả cây xanh nằm trong phạm vi GPMB thực hiện dự án, cần phải được tính toán chặt chẽ, chọn phương án tối ưu”. Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định, ưu tiên hàng đầu của TP vẫn là bảo tồn, di chuyển dù có thể gây phát sinh chi phí lớn hơn; trong điều kiện bất khả kháng, không thể dịch chuyển mới thực hiện giải toả. Những cây di chuyển sẽ được đưa về các khu 6,5ha sát Vành đai 3, khu A, B Công viên Yên Sở chăm sóc, sau đó được ra các công viên, các tuyến đường chỉ có cánh đồng 2 bên, đường hướng tâm để tái sử dụng, tạo bóng mát, cảnh quan.Mặt khác, trong thiết kế Dự án xây dựng, mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long đã có hạng mục cây xanh. Cụ thể, tuyến đường sẽ được trồng cây xanh thành 3 - 4 tầng. Tầng cao sẽ gồm 1.547 cây, các chủng loại như: Giáng Hương, Bàng Đài Loan, Cọ dầu, Ban hoàng hậu... Tầng cây bụi gốm 4.649 cây, các chủng loại: Đại sứ, Tường vi, Ngọc bút, Dâm bụt, Hoa giấy... Tầng thảm cỏ, cây thảm lá màu sẽ bao gồm diện tích 60.772m2, các chủng loại: Dương xỉ, Ngọc trai, Muồng Nhật, Lan dẻ quạt...Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, theo quy định của pháp luật, việc cấp giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là thủ tục hành chính được UBND TP phê duyệt. Sở Xây dựng sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học; đăng tải phương án dịch chuyển cây trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tham gia ý kiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Thành ủy, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan phải làm tốt vấn đề tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi thực hiện phương án di chuyển cây xanh để phục vụ thi công mở rộng đường Phạm Văn Đồng.Phương án xử lý cây xanh sẽ ưu tiên giữ gìn và di chuyển; dù di chuyển có tốn kém hơn nhiều lần cũng sẽ làm. Việc di chuyển cây sẽ được đem ra đấu thầu công khai, minh bạch, thông tin đến người dân cụ thể, rõ ràng. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục Hà Nội đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trồng mới thêm 1 triệu cây, đưa tỷ lệ cây xanh bình quân lên 10m2/người. Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, TP đã trồng mới được gần 300.000 cây xanh, trong đó có trên 35.000 cây đường kính lớn. Ngoài ra đã có trên 50.000 cây được cắt tỉa để đảm bảo ATGT, phòng chống mưa bão và góp phần cải tạo cảnh quan đô thị TP. |