Du lịch nông nghiệp Hà Nội: Thiếu lực đẩy, khó tiến xa
Kinhtedothi - Với vị thế là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, Thủ đô của cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trong đó có du lịch nông nghiệp.
Hiện một số DN đã xây dựng khai thác tuyến, điểm loại hình du lịch này song hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Nhiều tiềm năng
Những ngày này, trang trại Đồng Quê (Ba Vì) đang đón nhiều đoàn học sinh tới sinh hoạt ngoại khóa. Ở đây, các em được trải nghiệm không gian làng Việt xưa, làm quen với nghề nông như trồng rau, thu hoạch nông sản... Để tăng sức hấp dẫn du khách, trang trại Đồng Quê phối hợp với cư dân địa phương đưa khách tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng của người Mường...
Nằm trên địa bàn xã Phú Cường (Sóc Sơn), Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000m2 là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa, du khách được tham gia các trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng... trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua...
Thực tế cho thấy, nhiều trang trại, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội đã kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động đón khách tham quan trải nghiệm... Là một trong số hơn 20 mô hình đón khách tham quan, Giám đốc HTX hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ chia sẻ, hiện trên địa bàn xã có hơn 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Du khách tới đây được tham quan mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược, khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc…
Ngoài ra, Hà Nội còn có nhiều mô hình tương tự tại Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất... Các địa phương này đều có lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời. Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên nêu rõ, mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Vẫn thiếu sức bật
Chỉ ra nguyên nhân khiến du lịch nông nghiệp vẫn thiếu sức bật so với các loại hình du lịch khác, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp còn thiếu, chưa chuyên nghiệp. Số lượng, quy mô các DN du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp chưa đồng bộ khiến du khách khó tiếp cận.
Dưới góc độ DN, Giám đốc Công ty Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài nêu rõ, du lịch nông nghiệp ở Hà Nội còn thiếu những sản phẩm đặc sắc, chưa kể sự trùng lặp, na ná nhau giữa các địa phương. Nguyên nhân là do hoạt động mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. “Tính liên kết giữa ba bên: Nhà quản lý, người dân và DN lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch nông nghiệp phát triển” - ông Tài nói.
Đồng tình với phân tích này, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, hiện việc xây dựng tour du lịch nông nghiệp không hề dễ dàng bởi các điểm đến vẫn chưa được "chính danh" dẫn đến không thể tổ chức thực hiện một cách bài bản, quy củ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu thừa nhận việc chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông nghiệp cấp quốc gia, hiện mới chỉ dừng ở việc lồng ghép, vận dụng vào những chính sách mang tính đặc thù của địa phương. Để khắc phục khó khăn này, các cơ quan quản lý cần sớm có chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể đồng bộ từ T.Ư đến địa phương về tổ chức không gian, quản lý du lịch nông nghiệp.
Trước mắt để phát triển du lịch nông nghiệp, Sở Du lịch Hà Nội cần hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, người dân tham gia du lịch nông nghiệp. Khuyến khích các DN lữ hành phối hợp với địa phương mở phòng trưng bày bán sản phẩm làng nghề, sản vật địa phương thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, TP Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp triển khai ít nhất từ 1 - 3 sản phẩm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch". Hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Những chính sách này kỳ vọng thời gian tới du lịch nông nghiệp sẽ bứt phá để trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách và giúp người dân phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện quy hoạch hệ thống du lịch, đồng thời hoàn chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên các địa phương nên “bắt tay” với DN lữ hành qua đó hài hòa lợi ích của các bên chứ không thể ngồi chờ khách tự đến.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương
Hà Nội xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông thôn
Kinhtedothi - Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.
Đà Nẵng thí điểm 15 mô hình du lịch nông thôn
Kinhtedothi- UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025.
Bùng nổ “du lịch trả thù”
Kinhtedothi - Khi ngày càng có nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới cho khách du lịch, một cụm từ thời thượng xuất hiện trên mạng xã hội: “Du lịch trả thù”.