Đưa thực phẩm sạch tới bàn ăn
KInhtedothi - Để xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vươn tới tận bàn ăn, bếp ăn của từng gia đình đòi hỏi phải có sự bắt tay chặt chẽ của người sản xuất, DN, nhà khoa học với người tiêu dùng (NTD), và không thể thiếu vai trò kết nối của cơ quan quản lý Nhà nước.
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện |
Triệt tiêu bớt khâu trung gian PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, phụ trách trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn” thuộc chương trình “Bữa ăn an toàn” chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, mục đích chính của trang là giúp NTD mua thực phẩm an toàn với giá cả hợp lý nhất. Bà có thể giới thiệu những nét chính về trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn”? - Đây là trang thông tin điện tử chuyên biệt về ATTP. Từ trang này, NTD có thể nhận biết và lựa chọn những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn. Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh, thông qua đây sẽ có điều kiện thuận lợi để tìm được địa chỉ tiêu thụ, khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của mình. Bên cạnh những thông tin về chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, quán ăn an toàn, “buaanantoan.vn” còn có chuyên mục về tư vấn dinh dưỡng, bữa ăn gia đình, cách chế biến thức ăn đảm bảo dinh dưỡng, bí quyết nấu ăn ngon… Chúng tôi mong muốn thông tin về thực phẩm an toàn đến tận người dân để NTD tự phân biệt, lựa chọn. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ được triển khai thí điểm ở các khu chung cư trên địa bàn Hà Nội. Hình thức triển khai cụ thể như thế nào, thưa bà? - Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm ở các khu chung cư để người dân có thể đến xem, tìm hiểu nguồn gốc, địa chỉ cung cấp sản phẩm. Về lâu dài, thông qua các gian hàng và trang thông tin điện tử “buaanantoan.vn” sẽ kết nối trực tiếp NTD với cơ sở sản xuất. Chẳng hạn, ở huyện Phúc Thọ có HTX sản xuất rau sạch có thể ký hợp đồng bán cho một khu chung cư nào đó... Dự kiến, chương trình “Bữa ăn an toàn” sẽ được triển khai ở nhiều phân khúc chung cư khác nhau từ cao cấp tới bình dân. Tuy nhiên, chương trình mong muốn hướng tới phục vụ đại đa số người dân Thủ đô, nhất là công nhân, người lao động, các gia đình vợ chồng trẻ không có điều kiện mua thực phẩm ở siêu thị. Trong đó, cố gắng triệt tiêu các khâu trung gian để NTD mua thực phẩm sạch với giá cả phải chăng. Theo bà, làm thế nào để liên kết 5 "nhà" được bền chặt? - Trước đây, chúng ta đã có chủ trương đúng là liên kết 4 "nhà", nhưng việc thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định. Để đảm bảo liên kết bền chặt, cần đặc biệt quan tâm tới khâu tổ chức và giám sát thực hiện. Khó khăn nhất trong liên kết là vấn đề lợi ích. Do đó, cần phải có sự liên kết mềm bằng cách phân phối hài hòa lợi ích từ người sản xuất đến NTD. Các nhà khoa học cần phải vào cuộc với một cái tâm thực sự. Đối với DN, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham gia phải đảm bảo an toàn, chất lượng, nếu không sẽ bị loại khỏi chương trình. Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước cũng phải chặt và hỗ trợ, tháo gỡ bất cập kịp thời cho các DN. Hiện tại có khoảng hơn 200 DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn TP đã đăng ký tham gia chương trình “Bữa ăn an toàn” ở tất cả các loại hình từ sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, lưu thông. Đây chủ yếu là các DN được Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở Công Thương giới thiệu, nên có độ tin cậy đáng kể. Về lâu dài, chương trình sẽ liên kết với các tỉnh để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn dồi dào cho NTD Thủ đô. Xin cảm ơn bà! Thắng Văn (thực hiện) |