Wednesday, 15:30 05/10/2016
Èo uột thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng, tuy nhiên, đến nay, tỷ trọng khối lượng phát hành trái phiếu DN (TPDN) so với GDP vẫn ở mức rất thấp.
Thị trường manh mún, nền tảng nhà đầu tư yếu, tính minh bạch thấp… là những điểm yếu khiến thị trường vốn này thiếu hấp dẫn tại Việt Nam .
Cuộc chơi của các DN lớn
Khảo sát từ khía cạnh nhà đầu tư - thành viên tham gia thị trường phát hành TPDN cho thấy, hiện nay, thị trường TPDN vẫn chủ yếu là các DN lớn tham gia, như Tập đoàn Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)… Và khách mua TPDN vẫn chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Có thể thấy, thị trường này mang nhiều bản chất của thị trường tín dụng hơn là thị trường vốn. Mua bán TPDN dường như vẫn chỉ là cuộc đua dành cho các “ông lớn”. Các quỹ đầu tư hiện còn đóng vai trò rất nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân hầu như chưa có cơ chế để tiếp cận thị trường.
Theo thống kê tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động giao dịch TPDN vẫn thấp và có xu hướng đi xuống. Nếu giá trị giao dịch năm 2013 là 4.886 tỷ đồng, thì năm 2014 giảm còn 3.222 tỷ đồng và 2015: 4.850 tỷ đồng. “TPDN tại hiện nay được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chào bán cho một số nhà đầu tư (NĐT) giới hạn, tính minh bạch chưa cao. Trong khi đó, đa phần TPDN được NĐT nắm giữ cho đến khi đáo hạn, nên thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch gây khó khăn cho NĐT. Ngoài ra, dù hành lang pháp lý, hệ thống văn bản về niêm yết đã có nhưng chưa đủ rộng và sâu tạo sự thuận lợi cho hoạt động niêm yết, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN…” - bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Tổng Giám đốc HNX đánh giá.
Về hàng hóa, việc nhận biết mức độ an toàn của các loại TPDN hiện rất khó, do không có tổ chức định hạng tín nhiệm. Các NĐT phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng, trước khi đưa ra quyết định đầu tư, dẫn đến giao dịch chậm trễ.
Tiếp sức thị trường
Theo các cơ quan chức năng, tiềm năng phát triển của thị trường phát hành TPDN Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, lượng phát hành TPDN chỉ đạt khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP, trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng trái phiếu đang niêm yết trên hai Sở. So với mức bình quân khu vực ASEAN+3 là 21,7% GDP.
Để khắc phục những “điểm nghẽn”, HNX đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án phát triển thị trường TPDN Việt Nam và sẽ trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính vào cuối năm 2016. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN và Thông tư 211/2012/TT-BTC. “Các quy định mới tại Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP tập trung vào sửa đổi, bổ sung điều kiện phát hành dự kiến cho phù hợp với thực tế phát hành và đầu tư TPDN trong giai đoạn hiện nay. Với các quy định mới sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch của việc phát hành trái phiếu, qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, cũng như tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu DN...” - đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Để tiếp sức cho thị trường TPDN phát triển, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của DN về huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu; phát triển và mở rộng cơ sở NĐT trên thị trường; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Hiện, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ thành lập công ty định mức tín nhiệm đầu tiên trên thị trường... Với những bước chuyển về hàng lang chính sách, thị trường TPDN Việt