Bản báo cáo đặc biệt của Liên Hợp quốc (LHQ) về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người, do Đặc phái viên LHQ Idris Jazairi thực hiện thể hiện EU đang gánh nhiều thiệt hại hơn những gì Nga phải chịu đựng vì cấm vận.
|
Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu đã chịu thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD. |
Theo thống kê của đặc phái viên Jazairi kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, và tính đến nay số tiền đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Trong khi đó, tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
Theo bản báo cáo của LHQ, những biện pháp trừng phạt Nga là phản tác dụng, bởi quá trình toàn cầu hóa khiến các lệnh trừng phạt ảnh hưởng tiêu cực đến chính những quốc gia khởi xướng.
Báo cáo của đặc phái viên LHQ cho thấy lệnh cấm vận Nga không mang lại kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ông Jazairi cũng không phủ nhận thực tế rằng số lượng người Nga sống ở ranh giới mức nghèo đói cũng tăng. Con số này đã gia tăng từ 15,5 triệu người năm 2013 lên 19,8 triệu người năm 2016.
Báo cáo này chỉ rõ đây là hậu quả từ các biện pháp trừng phạt do nó làm "giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong giai đoạn 2014-2016 trung bình ở mức tối đa 1%”.
Ông Jazairi cho biết, mặc dù trong bối cảnh bị bao vây trừng phạt và giá dầu mỏ sụt giảm mạnh, những Chính phủ Nga thực hiện được chính sách kinh tế hiệu quả và thích nghi với thực tế mới.
Trong thời điểm hiện tại, không chỉ Nga chịu ảnh hưởng từ các gói trừng phạt mới do Mỹ áp đặt, châu Âu cũng sẽ phải chịu các áp lực tương đương hoặc mạnh mẽ hơn.
Hôm 2/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật trừng phạt mới với Nga, nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng,
Lệnh trừng phạt của Mỹ cũng sẽ nhằm vào các công ty của Đức hoạt động trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, hậu cần, tư vấn, dịch vụ tài chính và triển lãm doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo ra mối lo lớn cho các doanh nghiệp Đức.
Ngày 13/9, Phòng Thương mại Nga-Đức công bố kết quả thăm dò ý kiến các công ty của Đức đang hoạt động tại Nga, cho thấy 97% đại diện doanh nghiệp Berlin đánh giá tiêu cực về gói biện pháp trừng phạt mới của Washington áp đặt đối với Moscow. Chỉ 3% số người được hỏi đưa ra ý kiến ngược lại.