Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Gấp rút triển khai kinh tế xanh

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nghiêm trọng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Mô hình tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, xóa đói, giảm nghèo và hòa nhập xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Suy thoái môi trường phải được tính vào GDP
Liên tục thời gian qua, ô nhiễm không khí tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng lên mức nghiêm trọng có hại cho sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí ở các TP lớn luôn ở mức báo động và có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Tại Ấn Độ, một nghiên cứu cho thấy chi phí cho môi trường làm giảm đến 9,5% GDP một năm. Tổn thất do suy thoái tài nguyên cũng chiếm tới 10% GDP ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) ô nhiễm môi trường những năm qua gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 5,5% giá trị GDP.
Như vậy, sau khi đánh giá lại GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2017 cao hơn gần 1,3 triệu tỷ đồng so với trước đây, tăng 24,5%. Quy mô nền kinh tế năm 2017 đạt gần 6,3 triệu tỷ đồng, thì Việt Nam sẽ mất 5,5% tương đương 34 tỷ USD.
 Xe điện phục vụ du lịch tại Hà Nội góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Công Hùng
Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, Việt Nam nếu không có những biện pháp giải quyết hiệu quả, những tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ tổn thất nhiều hơn (ước tính lên tới 11% GDP vào năm 2030).
Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề về môi trường đã rất nghiêm trọng. Những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra trước hết là thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm chi phí khám và thuốc chữa bệnh, tổn thất ngày công lao động do nghỉ ốm và tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm...
Ô nhiễm môi trường gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản, trong đó sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt.
Vấn nạn này cũng sẽ là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động du lịch của Việt Nam, mặt khác làm gia tăng các chi phí cải thiện môi trường. Đặc biệt là làm phát sinh xung đột về lợi ích các nhóm xã hội trong khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường.
Xanh hóa nền kinh tế là động lực tăng trưởng mới
GDP hiện nay chủ yếu đánh giá các giao dịch thị trường mà bỏ qua các tổn thất về mặt xã hội, các tác động tới môi trường. Việc tính GDP xanh là thực chất và vô cùng khẩn thiết. Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: “Nếu như không có những hành động quyết liệt thì tác động môi trường sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển”.
Kinh tế xanh là nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đây là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái, đổi mới công nghệ, là nền kinh tế tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng giữa các vùng miền. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của UNEP, quá trình xanh hóa không những tạo thêm của cải, đặc biệt đối với vốn tự nhiên, mà còn gia tăng tốc độ tăng trưởng GDP.
Tại Việt Nam, năm 2010, Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia ra đời. Năm 2011, chỉ số này được xác định trong Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT về quy định giải thích nội dung, phương pháp tính các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Song việc triển khai còn chậm, theo các chuyên gia, vẫn còn cách “nền kinh tế xanh thực sự” rất xa. Có khoảng 98% số DN nhỏ và vừa, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Việt Nam cần phải có một nền công nghiệp phát triển, công nghệ sản xuất tiên tiến bởi với công nghệ lạc hậu, vốn ít thì khó có thể có một nền kinh tế xanh và tăng trưởng xanh được. 

"Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới hướng tới nền “kinh tế xanh” là cấp thiết. Đổi mới mô hình và công nghệ sản xuất như tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin…

Phải đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất… theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy chuẩn quốc tế.

Tiến hành cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển kinh tế xanh. Phải có chương trình hành động cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện. " - Phó Viện trưởng CIEM, Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Tuệ Anh

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ